Do nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhiều người dân ở Quan Hóa (Thanh Hóa) đổ xô vào rừng tìm kim mao cẩu tích (lông cu li) để bán cho thương lái với giá rẻ mạt.
Chiến dịch săn lùng kim mao cẩu tích
Dọc theo tỉnh lộ 520, con đường độc đạo từ thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) đi Mường Lát, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một số điểm thu mua kim mao cẩu tích đang hoạt động sôi nổi bên đường. Đó chỉ là những lán trại đơn sơ được thương lái dựng tạm để phục vụ cho việc mua bán, nhưng bên trong chứa hàng chục tấn dược liệu quý đang chờ để xuất đi. Tò mò, tôi dừng lại xem đúng lúc một xe chở hàng trọng tải lớn vừa "cập bến". Ngay sau đó, người ta hối hả bốc hàng lên xe. Những khúc thân rễ lớn của cây lông cu li (tên gọi dân gian của kim mao cẩu tích) được cạo sạch phần lông vàng óng phủ bên ngoài, sau đó cho lên bàn cân và chất lên khoang chứa hàng của xe tải.
Trong vai một sinh viên đang đi thực tế làm luận án tốt nghiệp về văn hóa miền núi, tôi đã có cuộc trò chuyện vui vẻ với những người thu mua kim mao cẩu tích ở đây. Chị Bùi Thị Ben vừa thoăn thoắt cạo lông kim mao cẩu tích vừa vô tư kể chuyện. Nhà chị vốn ở xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên cùng một số bạn bè rủ nhau đi buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Nói về việc thu mua loại dược liệu này với số lượng lớn, chị Ben cho biết, toàn bộ lượng hàng gom góp được ở địa phương sẽ được chở đến các đầu mối lớn ở Móng Cái để xuất sang Trung Quốc.
Theo đó, bản thân những người làm công việc thu mua này cũng không biết số lượng cây lông cu li mà mình xuất qua biên giới sẽ được người ta dùng vào mục đích gì và việc khai thác ồ ạt loài dược liệu này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng ra sao. Họ chỉ cần biết đáp ứng nhu cầu của đối tác để kiếm lời mặc dù lợi nhuận thu được không lớn. Số kim mao cẩu tích này sẽ được bán cho phía Trung Quốc với giá rẻ mạt chưa đến 10 nghìn đồng /kg.
Có những đợt cao điểm, hàng chục tấn cẩu tích đã được xuất đi mỗi ngày. Khi tôi hỏi về việc khai thác cây cu li quá nhiều có thể dẫn đến tuyệt chủng, chị Ben vô tư trả lời: "Cây này mọc đầy rẫy trong rừng sợ gì hết. Mà bao nhiêu năm nay có thấy ai dùng đến cái cây lông cu li này làm gì đâu. Cùng lắm cũng chỉ là dùng để cầm máu khi bị đứt tay, đứt chân. Bây giờ, có người mua, mình bán có tiền là vui rồi. Mà họ chỉ thu mua đợt này thôi. Có khi tháng sau họ lại mua thứ khác".
Theo tâm sự của chị Ben dù giá thu mua không cao nhưng với những người lao động ở vùng núi heo hút này, mỗi ngày kiếm được 100 - 200 nghìn đồng cũng đã là mơ ước. Chính vì vậy, khi thấy cơ hội kiếm tiền, nhiều người dân đã không ngần ngại bỏ cả ruộng nương, công việc để vào rừng tìm kim mao cẩu tích bán cho thương lái với giá 6 nghìn đồng /kg. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhiều trẻ em cũng bỏ học theo người lớn lên rừng hỗ trợ cho công việc này.
Ban đầu, họ chỉ khai thác ven những bìa rừng, nơi có rất nhiều cây lông cu li sinh trưởng tươi tốt. Nhưng sau, do việc khai thác ồ ạt, diện tích lông cu li bị thu hẹp nhanh chóng, việc khai thác không còn dễ dàng như trước. Càng ngày, người dân càng phải vào sâu hơn trong rừng mới có thể tìm thấy bóng dáng lông cu li. Trước đây, mỗi người có thể kiếm được trung bình khoảng 20kg mỗi ngày thì bây giờ cao lắm cũng chỉ được khoảng 10kg/ngày. Nhưng công cuộc tìm kiếm, thu mua vẫn đang được tiếp tục. Với đà khai thác bừa bãi như thế này, không ai có thể đảm bảo rằng kim mao cẩu tích sẽ không bị tận diệt ở vùng núi tây bắc xứ Thanh.
Cảnh ở một điểm thu mua cây lông cu li trên tỉnh lộ 520.
Và nạn "chảy máu" dược liệu
Nói về loại kim mao cẩu tích đang được Trung Quốc ráo riết thu mua với số lượng lớn, lương y quốc gia Nguyễn Hữu Thiện (Nhà thuốc đông y gia truyền Nguyễn Hữu Hách) cho biết: "Đây là một giống cây thuộc họ dương xỉ, thân và củ phủ một lớp lông màu vàng nên dân gian thường gọi là cây lông cu li. Theo y học, cây lông cu li có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, chữa các bệnh xương khớp, thần kinh tọa và một số bệnh khác".
Trước tình trạng khai thác bừa bãi loại cây này, ông bày tỏ thái độ bức xúc: "Không chỉ riêng kim mao cẩu tích mà hàng trăm loại dược liệu quý khác vẫn đang bị săn lùng và xuất thô qua biên giới. Nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước ngày càng cao trong khi nguồn dược liệu bị khai thác bừa bãi ngày càng trở nên khan hiếm. Giá dược liệu vì thế cũng bị đẩy lên, nhiều cây thuốc phải nhập lại từ phía Trung Quốc với giá "cắt cổ" gây khó khăn cho việc chữa bệnh. Vậy mà các cây thuốc, nhất là ở vùng núi phía Bắc vẫn tiếp tục bị người dân chặt phá để bán ra nước ngoài với giá rẻ mạt. Cứ đà này, sớm muộn nguồn dược liệu Việt Nam cũng trở nên kiệt quệ, khó mà hồi phục được".
Theo lương y Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của người dân về giá trị của các cây thuốc Việt Nam. Cho nên chỉ cần một chút lợi nhuận trước mắt, họ sẵn sàng săn lùng, triệt phá nhiều cây thuốc để bán cho thương lái với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần. Việc buôn bán dược liệu thường được tiến hành qua đường tiểu ngạch cho nên cơ quan chức năng cũng rất khó quản lý. Vì vậy, hàng ngày, từng khối lượng lớn dược liệu thô trong nước vẫn bị lọt sang bên kia biên giới.
Hầu hết chúng ta đều biết, Việt Nam vốn được coi là một kho báu dược liệu khổng lồ với nhiều cây thuốc vào loại quý hiếm trên thế giới như vàng đắng, hoàng đằng, thổ phục linh, ba kích, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng tinh vòng. Nhưng hiện nay, nhiều loại trong số đó gần như đã tuyệt chủng hoặc vô cùng hiếm gặp ngay cả ở những khu rừng được coi là thánh địa của những loài thuốc quý ở Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Cứ như vậy, từng loại dược quý lần lượt bị Trung Quốc tận thu đến kiệt quệ. Mỗi khi họ chuyển sang thu mua ráo riết một loại cây mới, người dân ở các vùng núi lại đổ xô lên rừng để tìm giống cây đó và cũng có nghĩa là giống cây mà họ săn tìm đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Điều nực cười ở đây là, nhiều khi đa số người dân chỉ biết nhắm mắt săn tìm những loại cây có thể bán lấy tiền mà không hề biết tên gọi, giá trị, mục đích sử dụng của cây đó là gì. Lấy được bao nhiêu họ lập tức bán ngay cho thương lái với một cái giá vô cùng rẻ mạt. Họ không biết rằng mình đang tiếp tay cho việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vô giá của đất nước, cản trở bước tiến của nền y dược học nước nhà. Nhớ đến lời dạy của lương y Tuệ Tĩnh, ông tổ nghề y của Việt Nam: "Người nước Nam chữa bệnh bằng thuốc Nam", tôi bỗng thấy đau lòng khi nguồn dược liệu của nước nhà vẫn đang tiếp tục bị "chảy máu" trong khi hàng trăm, hàng nghìn người bệnh ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang khát thuốc.
Hậu quả khôn lường Xoay quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Tuấn (giảng viên đại học Dược Hà Nội) cho biết: "Ở Việt Nam, nhất là vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai…vốn có rất nhiều cây thuốc quý có tác dụng quan trọng trong việc bào chế thuốc chữa bệnh. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước. Hiện tượng chảy máu dược liệu đã được cảnh báo từ nhiều năm trước đây nhưng hiện tại, tình trạng này vẫn đang tiếp tục xảy ra, gây hậu quả không nhỏ cho việc bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý ở Việt Nam. Trong khi đó, ngành chế xuất dược phẩm trong nước rất cần tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý để khai thác một cách khoa học, hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay. Đừng để những khu rừng bị xới tung bởi những kẻ khai thác không lương tâm. Đừng để cây thuốc Việt Nam bị tận diệt trước khi ngành y dược học nước nhà kịp phát triển xứng với tiềm năng của nó". |
Dương Dung