Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm thực hiện Nghị quyết số 120 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong Chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện dựán 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể của dự án là biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào…
Tại hội nghị, ban tổ chức đã cung cấp đến các cơ quan thông tấn báo chí một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế -xã hội dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bà Trần Thị Nhị Thủy hy vọng Hội nghị sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí. Từ đó, ngày càng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin.
Tại hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc chia sẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.
Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay đang sinh sống ở 3/4 diện tích của cả nước và hoàn toàn sống ở vùng kinh tế - xã hội có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Với xuất phát điểm thấp nên đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
“Trong khi tỉ lệ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tính trên tổng số hộ nghèo cả nước năm 2015 là 45, 25%, năm 2016: 48,22%, năm 2017: 52,66%, năm 2018: 55,27%, năm 2020: 61,29%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số và có xu hướng tăng lên rõ rệt”, ông Đinh Xuân Thắng cho hay.
Theo đó, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.
Phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Ngoài ra, đặt mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kieenc ố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế….