Ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 06/CĐ-TTg nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều điểm nghẽn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh phục hồi du lịch theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ; góp phần tăng trưởng kinh tế, từng bước khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.
Một trong những nguyên nhân là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao năng lực triển khai và tính hiệu quả của các chỉ tiêu thống kê du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương phổ biến và triển khai nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch" theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, hoàn thành trong Quý II năm 2024. Trên cơ sở nền tảng này, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê du lịch; tổ chức kết nối, cập nhật đầy đủ, kịp thời, thông suốt dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh việc triển khai kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc triển khai ứng dụng trên VNeID để việc thống kê và quản lý khách du lịch thuận lợi, đồng bộ, chính xác.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia; xây dựng và triển khai Kế hoạch áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hoàn thành trong tháng 9 năm 2024.
Định kỳ triển khai các cuộc điều tra thống kê du lịch để có cơ sở biên soạn hệ thống dữ liệu, bảng biểu thống kê, bảo đảm phù hợp với Chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2023 và chuẩn thống kê quốc tế.
Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm triển khai thống kê du lịch trên thế giới; nghiên cứu ứng dụng các phương thức kết nối, thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thiện hệ thống các bảng biểu về Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp thống kê du lịch để thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và cơ quan thống kê của Liên hợp quốc (UNSD) để nâng cao nhận thức, kỹ năng và phương pháp thống kê du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và người thực hiện nhiệm vụ thống kê du lịch ở trung ương và địa phương.
Bố trí kinh phí hằng năm cho công tác thống kê du lịch, triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam cho giai đoạn mới. Biên soạn tài liệu và kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai công tác điều tra, thống kê du lịch phù hợp với Khuyến nghị về khung phương pháp thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống..., bảo đảm thống kê, tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch; chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả và toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, bố trí kinh phí để triển khai các cuộc điều tra thống kê du lịch, các kế hoạch, nhiệm vụ về áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất hoàn thiện ngay các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch bảo đảm đầy đủ, khoa học, kịp thời, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024; đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch trong năm 2024.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả và toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về chế độ báo cáo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; phối hợp triển khai có hiệu quả việc áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch trên địa bàn, kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn khi triển khai áp dụng.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch triển khai nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch" trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện công tác báo cáo thống kê trực tuyến định kỳ và đột xuất trên phần mềm báo cáo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch (tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn).
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước toàn diện về du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch; kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch và báo cáo thống kê du lịch.
Chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả việc thu hóa đơn điện tử các hoạt động kinh tế trong đó có du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, xăng dầu...; sử dụng các biện pháp hành chính theo quy định, nhất là thu hồi giấy phép nếu không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành.
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong năm 2023 tăng nhanh thứ 6 thế giới
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm 2023 chứng kiến sự phục hồi tích cực của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với việc đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn gần 3,5 lần năm 2022, vượt 57% so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2023. Sự tăng trưởng này cũng được phản ánh qua dữ liệu trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google. Theo đó, tổng hợp dữ liệu cả năm 2023, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở mức trên 75%, xếp thứ 6 thế giới.
Việt Nam xếp trên các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12), Philippines (14). Tốp 10 thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia, Thái Lan.
Các điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất, ngoài hai trung tâm lớn là Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có tên hai điểm đến du lịch biển nổi tiếng là Đà Nẵng và đảo ngọc Phú Quốc. Tiếp theo là Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Phan Thiết.
Sự quan tâm lớn của du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam không quá ngạc nhiên khi trong thời gian qua Việt Nam liên tục nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín. Năm 2023, Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards tôn vinh Việt Nam ở 19 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 liên tiếp là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cùng với đó, rất nhiều hãng truyền thông, chuyên trang du lịch quốc tế thường xuyên gợi ý cho du khách quốc tế về các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam như Hạ Long, Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình, Phú Quốc…
Đặc biệt, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam chính thức áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày và có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời nâng thời hạn tạm trú đối với các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày. Chính sách cởi mở này được cộng đồng quốc tế vui mừng đón nhận và đánh giá sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn tới.
Kỳ vọng trong năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, tận dụng tốt những cơ hội, thuận lợi trên nền tảng kết quả đạt được thời gian qua để tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ thị trường du lịch quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm tới.
Tuệ Minh