Hướng tới một dịch vụ tư vấn pháp luật tốt hơn, dễ tiếp cận
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc hỗ trợ (Dự án EU JULE), Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho đội ngũ giảng viên chủ chốt về kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam.
Tiếp nối thành công của các đợt tập huấn cho cán bộ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, trong hai ngày 30/11-1/12 Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ thuộc 19 tỉnh, thành phố miền Nam với mục tiêu nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật của Hội.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho biết, buổi tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật được tổ chức cho đội ngũ tư vấn viên nòng cốt các tỉnh phía Nam, với mục đích sau này sẽ tập huấn lại cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên và các hội viên tư vấn pháp luật tại địa phương.
“Trong những năm qua, Hội Luật gia đã nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho công dân nói chung và những người chịu thiệt thòi nói riêng, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và 58 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp trên toàn quốc”, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết.
Theo Phó Chủ tịch, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm này đã giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, cũng như giải quyết các vướng mắc pháp luật của người dân.
Mặc dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành luật, có thời gian công tác pháp luật lâu năm, có kinh nghiệm và nhiệt tình, tâm huyết với nghề, nhưng đội ngũ tư vấn viên pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam chưa được thường xuyên cập nhật các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh bày tỏ: “Với mong muốn hướng tới một dịch vụ tư vấn pháp luật tốt hơn, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người dân nói chung, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội nói riêng, Hội Luật gia Việt Nam đã xác định rõ cần phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm, mà khâu then chốt là phải tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện hoạt động này thông qua các cuộc tập huấn”.
Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh cho hay, do dịch Covid-19 nên không thể tổ chức tập huấn trực tiếp. Tuy nhiên, bà bày tỏ mong muốn trong khuôn khổ buổi tập huấn trực tuyến này cũng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh gửi lời cảm ơn tới đại diện của EU, UNDP, Bộ Tư pháp luôn đồng hành cùng Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động này và nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho cán bộ Hội.
Bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau
Tiếp đó, phát biểu tại buổi tập huấn, bà Đào Thị Thu An, Quản lý dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp của Liên minh Châu Âu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc(UNDP) Việt Nam (Dự án EU JULE) đánh giá cao sự nỗ lực của Hội Luật gia Việt Nam để tổ chức các lớp tập huấn dưới hình thức trực tuyến.
“Hội Luật gia Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Dự án EU JULE, với vị thế là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp lớn, chúng tôi nhận định rằng Hội Luật gia đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí góp phần tăng cường tiếp cận công lý cho người dân ở Việt Nam. Chúng tôi rất ấn tượng với những con số từ năm 2011-2014 các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội đã tư vấn, trợ giúp hơn 130 nghìn vụ việc. Có thể nói, hoạt động tư vấn pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ để bảo đảm tuân thủ pháp luật”, bà An nói.
Theo bà An, tư vấn pháp luật cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ gánh nặng cho các cơ quan tố tụng, rất nhiều vụ việc sẽ được giải quyết từ khâu tư vấn, trước khi đưa ra xét xử tại toà án. Hoạt động tư vấn, giúp cho người được tư vấn dễ dàng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và thông qua đó các tư vấn viên sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết để người được tư vấn có thể giải quyết vấn đề của mình.
“Việc đánh giá năng lực của các tư vấn viên pháp luật của Hội luật gia Việt Nam trong năm 2019 đã đưa ra một khuyến nghị là cần xây dựng những chương trình đào tạo để nâng cao năng lực. Vì vậy, chương trình tập huấn này đã trải nghiệm qua hai lớp tập huấn trực tuyến gần đây, tập huấn nâng cao năng lực này là quá trình tiếp diễn, trong đó cá nhân, tổ chức sẽ được nâng cao hoặc duy trì kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả. Chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ các lớp tập huấn này cùng với các hoạt động nâng cao năng lực khác. Ghi nhận rằng, việc nâng cao năng lực của cán bộ tư vấn pháp luật sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, góp phần thúc đẩy công lý cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam với mục tiêu Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”, bà An nhấn mạnh.
Hội nghị tập huấn giảng viên chủ chốt kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam 19 tỉnh miền Nam sẽ được diễn ra trong 2 ngày 30/11-1/12 với sự đồng hành của hai giảng viên đại học Luật Hà Nội là TS. Phan Thị Lan Hương và Ths.Lưu Hải Yến – những người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy pháp luật và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc xây dựng tài liệu và tập huấn cho tập huấn viên.