Trong kế hoạch ghi rõ, mục đích của chương trình này là nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh lở mồm long móng.
Từ đó, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của chủng virus lở mồm long móng từ bên ngoài vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh tại cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một số tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sẽ được triển khai để phù hợp với từng địa phương, vùng miền.
Cụ thể, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng sẽ xoay quanh các nội dung như tuyên truyền các quy định của luật thú y. Các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về phòng, chống dịch bệnh cũng được phổ biến mạnh mẽ.
Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính nguy hiểm của dịch bệnh cũng cần phê phán, lên án các hành vi nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp về động vật hay các sản phẩm liên quan đến động vật qua biên giới.
Việc thông tin cho người dân biết và hiểu những triệu chứng và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng vô cùng cần thiết. Đồng thời, các loại vắc xin, hướng dẫn sử dụng vắc xin và thời gian tiêm phòng cũng cần được công khai cho người dân.
Bên cạnh đó, cần xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Kiểm soát được quá trình vận chuyển động vật tại các địa phương để kịp thời ngăn chặn nếu có sai phạm xảy ra.
Kiểm soát, quản lý giết mổ gia súc gia cầm, kiểm tra vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chuồng trại, khu vực nuôi nhốt gia súc. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi giết mổ trước và sau khi giết mổ gia súc, dụng cụ, phương tiện có liên quan.
Hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh.
Tích cực chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong quản lý vận chuyển động vật qua biên giới và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng khu vực biên giới.
Lê Trà