Phát biểu tạo hội thảo, bà Lê Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cho biết, những năm qua, Hội đã nỗ lực tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho công dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật (TVPL) trợ giúp pháp lý của 58 trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc hội Luật gia các cấp trên toàn quốc.
Mặc dù đội ngũ tư vấn viên pháp luật được đào tạo bài bản về chuyên ngành luật, có nhiều kinh nghiệm nhưng chưa thường xuyên cập nhật các kỹ năng để thực hiện công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp.
Do đó, hội Luật gia Việt Nam xác định cần các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ TVPL, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm. Trong đó, khâu then chốt là phải tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện hoạt động này.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do EU và UNDP hỗ trợ, năm 2019, hội Luật gia đã thực hiện khảo sát nhằm đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên thực hiện TVPL và trợ giúp pháp lý của hội Luật gia Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn, Hội đã lựa chọn 3 kỹ năng quan trọng nhất để tiếp tục tiến hành xây dựng tài liệu nâng cao năng lực tư vấn pháp luật cho cán bộ. Các kỹ năng khác sẽ được xây dựng và đào tạo trong các năm tiếp theo.
Mục tiêu của việc xây dựng tài liệu là thiết kế một chương trình tập huấn cho các tư vấn viên nòng cốt về 3 kỹ năng gồm: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng phỏng vấn người yêu cầu tư vấn pháp luật và kỹ năng lấy người yêu cầu tư vấn làm trọng tâm.
Trong đó có 3 giáo án tương ứng với 3 kỹ năng nêu trên. Mỗi giáo án được chia thành 3 phần: nội dung, kỹ năng và các phương pháp được sử dụng. Bên cạnh đó, tài liệu cũng sẽ có phần hướng dẫn cho học viên cách sử dụng tài liệu để tập huấn lại cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật khác trên địa bàn của mình.
Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo tham vấn với mục đích chia sẻ những nội dung chính của chương trình và tài liệu tập huấn nâng cao năng lực tư vấn pháp luật cho cán bộ của hội Luật gia Việt Nam, đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia nhằm hoàn thiện cho chương trình và tài liệu tập huấn.
Tham dự hội thảo các chuyên gia đã có nhiều thảo luận sôi nổi, đóng góp hoàn thiện tài liệu. Cụ thể, Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương (giảng viên Đại học luật Hà Nội) đánh giá, tài liệu đã đáp đứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Kỹ năng, nội dung trong tài được xây dựng xuất phát từ thực tiễn.
Tuy các nội dung được trình bày, sắp xếp công phu những 1 số phần vẫn gây rối cho người đọc, một số thuật ngữ khó hiểu gây khó khăn cho người tiếp cận. Do đó cần chỉnh sửa để người đọc dễ dàng tiếp nhận và hiểu đúng vấn đề.
Một số đại biểu cho rằng, tài liệu bổ sung phần mở đầu (giới thiệu tài liệu để làm gì? dành đối tượng nào?..). Một số đoạn bị trùng lặp, một số nội dung nên tách biệt, đơn cử, phần đạo đức nghề nghiệp nên cần tách riêng khỏi nội dung của kỹ năng giao tiếp. Về nội dung, tài liệu cần rõ ràng thêm các nội dung chưa được rõ ràng.
Đánh giá tổng kết, bà Lê Thị Kim Thanh cho biết, đây là dự thảo đầu tiên sau khi nhóm nghiên cứu đưa ra. Ban tổ chức và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Hội Luật gia Việt Nam cũng sẽ thảo luận với nhóm chuyên gia để thống nhất các nội dung, chỉnh sửa hoàn thiện tài liệu vào cuối tháng 11/2020.