Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng trợ lý viên, cộng tác viên TGPL

Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng trợ lý viên, cộng tác viên TGPL

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 2, 09/01/2017 15:33

Việc nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên, cộng tác viên pháp lý là cần thiết nhưng cũng cần tính đến thực tế cho phù hợp.

Trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) sáng 9/1, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về các vấn đề còn tranh cãi của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Là thành viên ban soạn thảo dự án luật này, đại diện Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tham dự phiên họp sáng nay với tư cách khách mời.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) xin ý kiến UBTV QH bao gồm: Người được trợ giúp pháp lý; tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; hình thức trợ giúp pháp lý; chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Đưa ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng hoan nghênh nội dung khá đầy đủ của dự án luật. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH và có sự thống nhất.

Chính trị - Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng trợ lý viên, cộng tác viên TGPL

 UBTV QH họp phiên thứ 6.

“Tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, có lẽ cần cân nhắc riêng với sĩ quan, binh sĩ. Bởi nếu mở rộng đối tượng TGPL ra đến các học viên học ở các trường, các sinh viên các trường khối nhóm cơ quan này sẽ rất khó. Còn hạ sĩ quan, binh sĩ, người nào quá nghèo có đề nghị, có nhu cầu TGPL thì chúng ta sẽ giúp trong đối tượng là người nghèo, người khó khăn. Như thế là phù hợp với điều kiện thực tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có sự thống nhất với báo cáo của Ủy ban Pháp luật và cho rằng: “Tôi thấy luật này cơ bản là thống nhất những vấn đề lớn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ làm nhiệm vụ quân sự, tôi từng phát biểu rồi. Tôi thấy không nên đưa vào diện này bởi, đã tham gia phục vụ trong quân đội là không còn hộ khẩu ở địa phương, trong diện hộ nghèo nữa. Hơn nữa, đã vào quân đội thì không thể là đối tượng yếu thế”.

Chủ tịch QH cũng lưu ý, việc nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý là cần thiết nhưng cũng cần tính đến thực tế cho phù hợp. “Về chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, tôi nghĩ, trong dự thảo luật quy định điều này là cần thiết và phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, phải xác định thật rõ và cụ thể điều kiện nào thì cho phép thành lập để đảm bảo việc thành lập không tràn lan.

Đây là dự án luật có thể nói là cơ bản, trong quá trình thảo luận, quá trình phối hợp cho tới giờ phút này trình ra về cơ bản không có vấn đề gì lớn. Chúng ta tiếp tục đưa ra để QH thảo luận xem xét thông qua tại kỳ họp tới”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chính trị - Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng trợ lý viên, cộng tác viên TGPL (Hình 2).

 GS.TS. Lê Minh Tâm tham dự phiên họp với tư cách khách mời.

Tham dự phiên họp UBTV QH hôm nay còn có Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm. Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, dự thảo luật sửa đổi đã bao quát phạm vi đối tượng TGPL rất hợp lý. So với trước đây, đã có 3 đối tượng mới được đưa vào bổ sung rất hợp lý, rất đúng.

“Đối với ý kiến về đối tượng là sĩ quan, binh sĩ, tôi cũng nghĩ đối tượng này không nên đưa vào đối tượng được TGPL. Nếu đưa vào, sẽ phá vỡ nguyên tắc chúng ta đặt ra với đối tượng TGPL. Còn với đối tượng là thân nhân liệt sĩ và người bị nhiễm chất độc hóa học thì chúng tôi nghĩ, đây là hai đối tượng rất cần thiết bổ sung”, GS. Lê Minh Tâm nói.

GS. Lê Minh Tâm cũng hoàn toàn nhất trí cần nâng cao chất lượng cộng tác viên TGPL. Bởi, nhiều người đăng ký làm TGPL rất nhiệt tình, mang hết tâm sức, kinh nghiệm để phục vụ, nhưng có nhiều người chỉ đăng ký mà không làm gì. Pháp luật sẽ đưa ra điều kiện để kể cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, nếu không làm, không nhiệt tình sau một thời gian thì không nên tham gia nữa. Đây là cơ sở rất tốt để chúng ta xây dựng đội ngũ cộng tác viên TGPL sau này.

“Qua thực tiễn, chúng tôi thấy, giữa các thành phố trực thuộc Trung ương có sự khác biệt rất lớn đối với các tỉnh, giữa các tỉnh có sự khác biệt rất lớn với nhau. Tôi nghĩ rằng, luật đưa ra cái chung để làm sao nâng cao năng lực của người làm công tác TGPL, nâng cao chất lượng công tác này, nhưng cũng cần có những hướng dẫn làm sao phù hợp từng địa phương, từng khu vực. Sau này, khi bộ Tư pháp hướng dẫn, chúng tôi sẽ có những đề xuất cụ thể”, GS. Lê Minh Tâm nêu ý kiến.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: “Các nội dung của dự án luật có sự thống nhất cao của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, khoa học. Dự án luật này là sửa đổi luật hiện hành, do đó, yêu cầu đã sửa đổi phải tốt hơn”.  

Dương Thu

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.