Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định trong thời gian vừa qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phấn đấu quyết liệt và ghi nhiều dấu ấn nổi bật; Qua đó tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín vững chắc của đất nước trên chặng đường đổi mới.
Đánh giá về thành tựu 35 năm đổi mới và những định hướng chiến lược trong thời gian tới, trao đổi với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS.Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Yếu tố con người là “then chốt” để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu đề ra”.
Giấc mơ đã thành hiện thực
PV: Bà nhận định như thế nào về thành tựu 35 năm đổi mới đất nước?
PGS.TS.Bùi Thị An: 35 năm đổi mới vừa qua là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân; Nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Thành tựu 35 đổi mới, kết quả đó đã được bạn bè quốc tế đánh giá và ghi nhận. Về mặt hình thức, ai cũng nhìn thấy sự “thay da đổi thịt” ở tất cả mọi lĩnh vực, từ hạ tầng xã hội, hạ tầng giáo dục, hạ tầng giao thông….Người dân ai cũng càm nhận được rất rõ điều này (cụ thể: Giáo dục, y tế phủ khắp, điện sáng, nước sạch đã về nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…). Điều đó phải nói là giấc mơ của chúng ta đã thành hiện thực.
Đó là về mặt xã hội, còn về mặt kinh tế thì rõ ràng, sự tăng trưởng liên tục, thu nhập đầu người tăng lên ở tất cả mọi vùng. Về mặt an sinh xã hội, an ninh xã hội phải nói là được đảm bảo rất tốt… Thành tựu của 35 năm đổi mới, nhìn về mặt tổng thể đã thay đổi cơ bản về chất, mà từng người Việt Nam nhận thấy ngay trong cuộc sống của mình.
PV: Theo bà, dấu ấn nổi bật nhất sau 35 năm đổi mới là gì?
PGS.TS.Bùi Thị An: Trong nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” - Đó là sự đánh giá, cảm nhận thực sự trên thực tiễn. Vị thế không phải tự nhiên đạt được mà do thành tựu thực tiễn. Tôi nhấn mạnh trong giai đoạn năm 2020, Việt Nam đã có những chiến thắng ngoạn mục, chúng ta vừa chống dịch Covid-19 thành công vừa thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế. Trong khi các nước tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương. Như vậy không phải chúng ta tự đặt ta vào vị thế ấy mà do bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá.
Theo quan điểm của tôi, một trong những dấu ấn nổi bật của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt đã trở thành “thương hiệu” của Đại hội lần thứ XII chính là công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, làm đâu được đấy, tạo niềm tin cho nhân dân. Cán bộ, đảng viên, dù ở cấp nào, nếu mắc khuyết điểm sẽ bị xử lý nghiêm.
Khi đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin ngày càng được củng cố, giai đoạn trước mắt dù đan xen nhiều thời cơ, thuận lợi với không ít khó khăn, thách thức, nhưng mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều vững tin vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ đã được thông qua trong các văn kiện quan trọng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Sức hấp dẫn” của nền kinh tế Việt Nam
PV: Bà nhận định như thế nào về “sức hấp dẫn” của nền kinh tế Việt Nam sau 35 năm đổi mới cũng như uy tín, vị thế của đất nước?
PGS.TS.Bùi Thị An: Việt Nam đang có cơ đồ, vị thế vững chắc trên đường đổi mới. 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, cũng như chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan hệ đối ngoại đã nâng tầm vị thế đất nước khi chúng ta cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Đồng tình với GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương rằng: “Mong ước của Bác Hồ là chúng ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” đã thành hiện thực khi Chủ tịch nước chúng ta sánh vai với chủ tịch các cường quốc trên thế giới tại Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra năm 2017 tại Đà Nẵng. Hình ảnh này cũng nói lên một Việt Nam rất khác trước, với tầm vóc, phong độ khác hơn, có sự tin tưởng hơn”.
PV: Nói như vậy, chúng ta đang có thế mới, lực mới, gia tốc mới để hiện thực hóa muc tiêu trong giai đoạn mới, thưa bà?
PGS.TS.Bùi Thị An: Văn kiện Đại hội XIII đưa ra mục tiêu, đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tầm nhìn đó phải dựa trên cơ sở nội lực chúng ta. Dù bên ngoài khách quan có thuận lợi mấy nhưng nội lực bên trong không được nâng lên thì khó đặt được mục tiêu. Nhưng theo tôi, chúng ta có điều kiện để nâng cao nội lực và hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Cũng từ những định hướng cụ thể tôi vừa nhắc đến thì yếu tố con người là yếu tố quyết định, yếu tố then chốt trong mọi vấn đề then chốt. Trong suốt giai đoạn vừa rồi, chúng ta tập trung vào yếu tố con người, đào thải những nhân tố tha hóa, biến chất, không phù hợp ra khỏi bộ máy. Từ đó, có những cơ chế thu hút, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài để thực hiện mục tiêu đề ra trên cơ sở một nền công nghệ, khoa học hiện đại, một nền công nghệ số, Chính phủ số, Chính phủ điện tử…
Theo tôi đánh giá, chúng ta có đầy đủ những điều kiện tiên quyết và văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cao và ứng dụng công nghệ hiện thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Trước mắt, dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới với biến chủng nguy hiểm, chúng ta còn gặp nhiều thách thức nhưng với định hướng đúng đắn của Đảng cũng như sự nỗ lực, sự đồng lòng giữa người dân với Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin chúng ta sẽ tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc, vượt qua thác thức, khó khăn.
Dân thụ hưởng, dân hạnh phúc!
PV: Văn kiện Đại hội XIII không chỉ nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà còn nhấn mạnh yếu tố “nhân dân thụ hưởng”. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
PGS.TS.Bùi Thị An: Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sắp tới chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn vấn đề này. Trong văn kiện Đại hội XIII bổ sung thêm hai cụm từ nữa là “dân giám sát và dân thụ hưởng”.
“Dân giám sát”, tức là coi trọng dân, vai trò, vị trí của dân, tất cả mọi việc đều được dân giám sát trên cơ sở minh bạch thì chất lượng hoạt động của Chính phủ cũng như của tất cả các tổ chức mà phục vụ dân được nâng lên.
Một yếu tố nữa là chúng ta lấy hạnh phúc của dân làm mục tiêu phấn đấu, tức là dân phải được thụ hưởng khi dân tham gia đóng góp, xây dựng đất nước, tức là dân được thụ hưởng, nhấn mạnh quyền cao nhất của người dân, tức là dân được hưởng hạnh phúc, được quyền sống theo đúng Hiến pháp đã quy định.
Theo tôi, hai cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” được bổ sung vô cùng quan trọng, nhất là cùm từ cuối “nhân dân thụ hưởng”. Tất cả mọi phấn đấu là mang đến quyền lợi cho dân, thể hiện là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
“Nhân dân thụ hưởng”, đó là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cán bộ, như công bộc của dân. Nếu ai không làm điều đấy sẽ đi ngược lại với phương châm của Đảng. Khi đã đưa vào văn kiện thì tất cả mọi người đều phải thực hiện. Khi thực hiện đảm bảo được là dân thụ hưởng, dân hạnh phúc thì chắc chắn khi dân đồng thuận thì sức mạnh sẽ tăng lên rất nhiều.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi!
Nguồn nhân lực cao là yếu tố quyết định
“Yếu tố con người, nguồn nhân lực cao là yếu tố quyết định và là quan trọng số một trong giai đoạn tới. Đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra trong Đại hội XIII, yếu tố con người là yếu tố then chốt trong mọi then chốt. Qua bài học thực tiễn cho thấy, nếu chúng ta tập trung vào nguồn lực thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng, không gì có thể thay thế được yếu tố con người”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Khả năng ứng phó những bất định
“Giai đoạn 35 năm thực hiện đổi mới có thể được đúc kết lại qua 4 định hướng chiến lược gồm: Lựa chọn mô hình phát triển; Chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ; Khai thác hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ; khả năng ứng phó những bất định, khó lường tác động đến quá trình phát triển đất nước”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Hương Lan- Nguyễn Thúy (Thực hiện)