Nặng gánh nợ vay, Xuân Mai Corp muốn tăng vốn gấp rưỡi lên 775 tỷ đồng

Nặng gánh nợ vay, Xuân Mai Corp muốn tăng vốn gấp rưỡi lên 775 tỷ đồng

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 3, 29/05/2018 09:25

Xuân Mai không giấu giếm tham vọng trở thành một "ông kẹ" trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) sẽ phát hành thêm 27,5 triệu cổ phần để tăng vốn trong năm nay, trong đó 20 triệu CP phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 5:2, 5 triệu CP trả cổ tức với tỉ lệ 10% và 2,5 triệu CP phát hành ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là đợt tăng vốn thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2017 của Xuân Mai. Trước đó, doanh nghiệp này đã tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng trong năm 2017, tăng lên 500 tỷ đồng trong quý 1/2018 và dự kiến tăng lên 775 tỷ đồng theo Nghị  quyết vừa thông qua, gấp rưỡi mức hiện nay.

 Việc tăng vốn liên tục của Xuân Mai Corp có thể được giải thích là nhằm giảm bớt gánh nặng vay nợ tài chính, với số dư tới cuối tháng  3/2018 là khoảng 2.200 tỷ đồng, gấp 4,5 lần vốn điều lệ.

3 tháng đầu năm, Xuân Mai Corp đạt doanh thu 252,6 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2017 (178 tỷ đồng). Lỗ sau thuế là 23 tỷ đồng (quý 1/2017 lỗ 15 tỷ đồng). Năm 2017, Xuân Mai Corp lãi sau thuế 99 tỷ đồng, năm 2016 là 73 tỷ đồng.

Ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Xuân Mai đạt 3.910 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản phải thu (1.600 tỷ đồng), hàng tồn kho (987 tỷ đồng), tài sản cố định (637 tỷ đồng).

Xuân Mai Corp tiền thân là công ty con, hoạt động chủ yếu trong mảng bê tông, xây lắp của tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Sau nhiều năm chìm trong khó khăn, thua lỗ, Vinaconex năm 2013 bán lại toàn bộ 51% vốn trong Xuân Mai cho nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Nguyễn Đức Cử - lúc này là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Nặng gánh nợ vay, Xuân Mai Corp muốn tăng vốn gấp rưỡi lên 775 tỷ đồng

Xuân Mai tham vọng trở thành một "ông kẹ" trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản

Xuân Mai dưới sự đầu tư của ông Nguyễn Đức Cử cùng dòng vốn từ LienVietPostBank và một số ngân hàng khác, đã nhanh chóng "lột xác", trở thành một đơn vị xây lắp, kinh doanh bất động sản có tiếng ở Hà Nội.

Dù không nắm chức vụ trực tiếp nào, song vai trò của doanh nhân sinh năm 1957 tại Xuân Mai là rất lớn, mà rõ nhất ở tỉ lệ sở hữu chi phối. Trong nửa sau năm 2017, có thời điểm bà Nguyễn Minh Trang, con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Cử nắm tới 55,07% cổ phần tại Xuân Mai. Người con đầu của ông là bà Nguyễn Bảo Ngọc hiện là thành viên HĐQT và giữ 5,09% vốn Xuân Mai tới cuối năm 2017.

Năm 2018, Xuân Mai đặt mục tiêu giá trị tổng sản lượng 2.810 tỷ đồng, doanh thu 2.667 tỷ đồng, lãi sau thuế là 109,3 tỷ đồng. 

Ngoài kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phần để trả cổ tức với tỉ lệ 10%, Xuân Mai Corp cũng dự kiến trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%. Đại hội đồng thường niên đã thông qua mức trả thù lao 1,28 tỷ đồng và thưởng 231,6 triệu đồng cho HĐQT và BKS, thưởng hơn 1,026 tỷ đồng cho ban điều hành.

Xuân Mai là đơn vị xây lắp có tiếng tại Hà Nội với nhiều dự án đã và đang tham gia như trung tâm thương mại Chợ Mơ, dự án Hanoi Paragon, dự án Eco Green City Nguyễn Xiển hay dự án Imperia Plaza Giải Phóng. Bên cạnh hoạt động truyền thống, Xuân Mai đang đẩy mạnh mảng kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp này đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án Xuân Mai Complex tại Hà Đông và hiện đang triển khai giai đoạn 2.

Một số dự án đã và đang triển khai như Xuân Mai Riverside, Xuân Mai Mễ Trì Plaza, chung cư TNT Kiến Hưng. Tại TP.HCM, Xuân Mai có dự án chung cư Bình Trị Đông tại quận Tân Bình. Đáng chú ý, doanh nghiệp này thời gian qua hé lộ một dự án rất lớn ở quận 7 là dự án Eco Green Sài Gòn, được xây dựng trên một phần lô đất bị xiết nợ trước đó của Hoàn Cầu Group.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.