Gái Hà Thành đa tài
Gốc người Hà nội, Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa xuất thân từ gia đình công chức, là chị cả của một đàn em trai. Theo cha vào Sài gòn làm việc từ trước năm 1954. Học giỏi và thông minh. Thu Trang là một người phụ nữ năng động.
Ban đầu làm báo, rồi thành hoa hậu và rồi làm phim… ngoài ra chị còn là tác giả một số truyện ngắn khá hay. Thu Trang tham gia làng báo trong những năm 1953, làm thư ký tòa soạn và viết bài cho các báo như Công Dân, Phụ Nữ, Sài gòn mới, Lẽ sống…
Thu Trang ngày xưa
Đầu năm 1955, Thu Trang được bầu chọn là người đẹp nhất trong cuộc thi Hoa hậu do Bộ xã hội thời bấy giờ tổ chức. Khi tên Hoa hậu Thu Trang được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn cũng đại diện khán giả nữ lên sân khấu chúc mừng. Ra khỏi rạp Lido, sau khi thỏa mãn rừng người xin chữ ký và xin chụp ảnh chung, Hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của Sài Gòn.
Bắt đầu từ đấy, Thu Trang được các nhà làm phim chú ý. Thu Trang được hãng phim Mỹ Phương mời tham gia vai chính trong phim “Lòng nhân đạo” nhưng Thu Trang từ chối vì bận việc riêng. Phim đầu tay mà Thu Trang đóng là ‘Chúng tôi muốn sống” vào năm 1956.
Năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Pháp tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có dự án cụ thể. Đầu tháng 11-1960, chị qua Pháp.
Giai thoại về mối tình nàng Kiều
Thi phẩm Lục Vân Tiên của văn hào Nguyễn Đình Chiểu đã từng được soạn thành tuồng cải lương, trình diễn trên sân khấu từ thập niên 1940 và cho đến nay thỉnh thoảng vẫn còn thấy Lục Vân Tiên-Nguyệt Nga xuất hiện qua các sô hát ở hải ngoại.
Thế nhưng, về lĩnh vực phim ảnh thì chỉ duy nhất được thực hiện vào năm 1957. Lịch sử điện ảnh Việt Nam khởi đầu từ năm 1930 đến giữa thập niên 1950, tất cả cuốn phim được ra đời đều là phim đen trắng, và đến 1957 mới có cuốn phim màu đầu tiên được ra đời chính là bộ phim Lục Vân Tiên, phim màu Eastman A Color do nhà sản xuất Tống Ngọc Hạp thực hiện, đồng thời giữ luôn vai chính Lục Vân Tiên, đóng cặp với Thu Trang vai Kiều Nguyệt Nga.
Tống Ngọc Hạp ngoài phần thủ vai chính còn kiêm viết kịch bản, kiêm đạo diễn và soạn nhạc. Còn Thu Trang thì đóng vai chính kiêm hóa trang, kiêm thư ký đạo diễn. Cũng từ phim này cuộc tình duyên của Thu Trang và Tống Ngọc Hạp đơm hoa và gặp nhiều bàn tán trong dư luận.
Thu Trang, Tống Ngọc Hạp cùng phim “Lục Vân Tiên” đã từng chu du khắp các liên hoan phim tại Đức, Hồng Kông, Nhật Bản. Cũng vì chuyện "kết thân" với Tống Ngọc Hạp nên báo chí Sài Gòn thời đó đã thêu dệt nhiều giai thoại về những cuộc "hẹn hò" giữa Hoa hậu Thu Trang với Tống Ngọc Hạp mà các báo thi nhau viết bài để câu độc giả.
Có lẽ mối tình của nàng Kiều và chàng trai họ Lục trong phim và ngoài đời sẽ rõ hơn khi Thu Trang vừa cho xuất bản tập hồi ký của mình có tựa là “Một thời để nhớ”.
Công Tú