5 năm qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân lọt vào trong danh sách top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng mạnh và xuất hiện ngày càng nhiều trong danh sách 100 công ty đại chúng lớn nhất việt Nam.
Việt Nam đã có 6 đơn vị lọt vào danh sách những doanh nghiệp lớn của châu Á và thế giới, gồm: Masan, Vietjet Air, Thế giới di động, Vinamilk, Techcombank, Vingroup. Nước ta cũng có thêm các doanh nhân trong danh sách tỷ phú thế giới.
[Info] 6 doanh nhân Việt sở hữu tài sản tỷ USD
Việc các doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng đã góp phần tạo vị thế, diện mạo mới cho Việt Nam. Tuy vậy, chuyên gia đánh giá, năng lực chống chịu của doanh nghiệp tư nhân vẫn thấp, thể hiện rõ nhất qua đợt bùng phát Covid-19 lần 4.
Kinh tế tư nhân có vị thế quan trọng trong nền kinh tế
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo "Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết nhận định, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, khối kinh tế tư nhân tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, giai đoạn 2006-2014, mỗi năm cả nước có khoảng 70.900 doanh nghiệp tư nhân mới thành lập. Đến giai đoạn 2015-2020, con số tăng lên đến 122.500 doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, cả nước vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.
"Kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP nước ta, hỗ trợ hàng triệu người lao động có việc làm với mức lương bình quân 8,3 triệu đồng/tháng vào năm 2020. Điều này cho thấy, khối kinh tế tư nhân ngày càng có vị thế quan trọng trong nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Luyến nói.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, năm 2018, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 365,422 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 267,892 tỷ đồng còn doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước đóng góp 99,729 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 415,792 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước còn doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 283 tỷ đồng còn doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước đóng góp 113,356 tỷ đồng.
Bà Luyến đánh giá khối doanh nghiệp tư nhân đã góp phần tạo vị thế, diện mạo mới cho Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cũng tăng đáng kể. Năm 2011 có khoảng 325.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động thì sang năm 2019 đã tăng lên 647.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng tăng mạnh, từ 6.875 nghìn tỷ đồng vào năm 2011 lên đến 24.024,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, tăng gấp 3,5 lần.
Năng lực chống chịu của doanh nghiệp tư nhân thấp
Tuy vậy, TS Nguyễn Thị Luyến nhận định khối kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế về số lượng; quy mô; ngân sách lao động; liên kết, hợp tác, tạo ra chuỗi giá trị; năng lực chống chịu...
Cụ thể, theo thống kê của CIEM, số lượng hộ kinh doanh tăng nhưng tỉ lệ hộ đăng ký chỉ chiếm 30%.
Ngoài ra, dù quy mô của các doanh nghiệp tăng, năm 2019, quy mô vốn sản xuất kinh doanh trung bình của một doanh nghiệp tư nhân là 37,37 tỷ đồng, bằng 0,84% quy mô vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước và bằng 9,46% quy mô vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI.
Theo Kết quả điều tra doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, ngân sách lao động của doanh nghiệp khu vực tư nhân chỉ đạt 228,4 triệu đồng/ lao động, bằng 33,7% ngân sách lao động bình quân của doanh nghiệp nhà nước và 69% ngân sách lao động bình quân của doanh nghiệp FDI. Bà Luyến đánh giá kết quả này đã cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Còn theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về trình độ, năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp, chỉ có 13,1% doanh nghiệp tư nhân có trình độ tiếng Anh thông thạo; 6,5% doanh nghiệp tư nhân có thể tự đàm phán hợp đồng. Bà Luyến đánh giá con số trên vẫn còn khiêm tốn.
"Đặc biệt, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt còn hình thức, chưa tạo thành khối để cùng phát triển", bà Luyến nói và cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Năng lực chống chịu của doanh nghiệp tư nhân thấp. Phần lớn năng lực sản xuất, năng lực tài chính bị bào mòn, mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng, nhất là trong đợt bùng phát Covid-19 lần 4.
Các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài đã dẫn đến gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như hoạt động vận tải, tiếp cận khách hàng. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.
Nguyên nhân được xác định từ nội tại và từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. "Thực tế, những yếu kém trong nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam", bà Luyến nói.
Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, xảy ra tình trạng phân biệt đối xử...
PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 2 năm đối mặt với dịch Covid-19, khối kinh tế tư nhân đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không có nhiều chính sách mạnh hỗ trợ như với khối các doanh nghiệp FDI. Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ cần phải có công bằng, không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI.
Ông Thiên cũng cho biết, khi chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là khối doanh nghiệp từ Đông Âu trở về đều đã vượt qua nghịch cảnh tốt. Do đó, nếu có thêm chính sách hỗ trợ, chắc chắn sẽ là xung lực cho khối kinh tế tư nhân phát triển.
Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, theo TS Nguyễn Thị Luyến, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để sống chung với dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, trong trung và dài hạn, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế…
Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm bảo đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt.
"Cần tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh…", bà Luyến cho hay.