Những “đứa con” phá gia chi tử
Được thành lập từ năm 2009, Vinachem hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với mục tiêu hoạt động được thể hiện rõ qua 3 tiêu chí: Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu Nhà nước đầu tư tại Vinachem và vốn của Vinachem đầu tư vào các doanh nghiệp khác; Giữ vai trò trung tâm để phát triển một Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối; Tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Thế nhưng, những con số được tiết lộ trong báo cáo mới nhất đã phần nào vẽ nên bức tranh ảm đạm về tình hình đầu tư của tập đoàn này thời gian qua.
Báo cáo riêng lẻ của tập đoàn Vinachem cho thấy: Năm 2019, công ty mẹ Vinachem báo lỗ tới 1.170 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 1.845 tỷ đồng so với mức lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2018 là 675 tỷ đồng.
Vinachem đang đầu tư tổng cộng 12.258 tỷ đồng vào 25 công ty con, trong đó có những doanh nghiệp làm ăn có lãi, nhưng gánh nặng “khủng” nhất lại nằm ở những khoản đầu tư nghìn tỷ, được gọi tên thường xuyên như: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (2.313 tỷ đồng), CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (2.658 tỷ đồng), CTCP DAP – Vinachem và CTCP DAP 2- Vinachem…
Tính hợp nhất toàn tập đoàn, Vinachem đạt doanh thu bán hàng hơn 40.600 tỷ đồng - giảm 7% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt mức 249 tỷ đồng - giảm tới 44% so với tổng lợi nhuận năm 2018.
Tuy vậy, con số lợi nhuận, lãi lỗ chỉ phản ánh một phần nhỏ so với tình hình khó khăn thực tại ở Vinachem. Gánh nặng nợ vay hàng nghìn tỷ đồng và tăng đều qua các năm, khó có khả năng chi trả ở các công ty con mới là vấn đề được ban lãnh đạo cũng như các bộ, ban, ngành quan tâm nhất thời điểm này.
Tính đến ngày 31/12/2019, Vinachem ghi nhận gần 36.000 tỷ đồng tổng nợ phải trả, bao gồm cả nợ ngắn hạn và dài hạn. Công ty mẹ - Vinachem không có khả năng thanh toán khoản vay đến hạn nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm 31/7/2019 là 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, cơ quan kiểm toán lưu ý hàng loạt ý kiến ngoại trừ về vấn đề vay nợ, tình hình hoạt động tại các doanh nghiệp trực thuộc Vinachem.
Đơn cử, công ty kiểm toán AASC cho biết: Đến nay, một số dự án của tập đoàn như: DA Khai thác và Chế biến muối mỏ tại Nongbok, tỉnh Khammouan (Lào) đã dừng triển khai; DA đầu tư nhà máy sản xuất phâm đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm; DA Xây dựng công trình nhà máy DAP số 2 và DA Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán, hoạt động không hiệu quả.
Đặc biệt, công ty Đạm Ninh Bình, DAP số 2 – Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và bộ Công Thương. Thậm chí, Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản vay nợ và lãi vay đến hạn.
Những “đứa con” nghìn tỷ của Vinachem như đã nhắc ở trên đang cùng đối mặt với tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến việc đơn vị kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Đạm Ninh Bình, DAP số 2 - Vinachem và Phâm đạm Hóa chất Hà Bắc.
Tình hình trở nên bi đát hơn khi đầu năm 2020, tác động từ dịch Covid-19 khiến loạt doanh nghiệp yếu kém càng lún sâu trong nợ nần, gia tăng sức ép và nguy cơ đối với Tập đoàn Vinachem. Kết thúc quý I/2020, riêng 4 doanh nghiệp trong danh sách yếu kém lỗ thêm hơn 800 tỷ đồng, tăng 246% so với cùng kỳ năm 2019.
Kiên quyết cho phá sản nếu không có khả năng khắc phục
Chính phủ vừa qua đã có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương, trong đó nhắc nhiều đến vấn đề thoái vốn, xử lý hợp đồng EPC tại ba “đứa con” của Vinachem.
Báo cáo thể hiện, với số nợ khổng lồ, càng để các dự án dở dang, cầm chừng, thiệt hại của doanh nghiệp càng lớn. Trong các giải pháp xử lý, phương án tái cơ cấu để thoái vốn, bán dự án được xem là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo các thủ tục và quy định hiện hành, việc này được các bên liên quan ví như "gà mắc tóc".
Các bộ ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính, bộ Công Thương… đều đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp như: cơ cấu nợ, khoanh nợ; giãn khấu hao; giảm lãi suất… hay bán dự án theo giá trị thực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần mạnh dạn để thị trường thực hiện đúng vai trò định đoạt trên nguyên tắc chọn lọc của thị trường, thay vì tiếp tục dùng nguồn lực Nhà nước gia cố thêm, ngay kể cả việc xem xét cân nhắc gỡ khó các khoản vay cũng rất có thể tiếp tục dẫn tới tình trạng tiêu tốn thêm nguồn lực tài chính vào các dự án khó có thể phục hồi.
“Nếu không mạnh dạn chấp nhận các giải pháp mang tính thị trường thì sẽ rất khó có thể xử lý triệt để các vướng mắc. Thậm chí, càng quanh quẩn, loay hoay với các nguồn lực của Nhà nước, nguy cơ sẽ còn thiệt hại thêm” - PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh quan điểm xử lý một cách dứt khoát các dự án thua lỗ, yếu kém.
Theo ông Thế Anh, sớm đưa các dự án ra thị trường để chính thị trường thực hiện vai trò thẩm định và định đoạt thì còn có cơ hội cứu vãn. Nếu Nhà nước và doanh nghiệp tiếp tục loay hoay với các giải pháp mang tính thỏa hiệp như kéo dài thời hạn vay, khoanh nợ để có thời gian phục hồi sản xuất, lùi thời gian khấu hao thì rất khó có thể xử lý triệt để các vướng mắc, việc xử lý sẽ rất nan giải.
Quan điểm này cũng được đề cập trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về các dự án thua lỗ ngành Công Thương. Cơ quan này cho biết, với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục sẽ kiên quyết thực hiện phá sản, giải thể để thu hồi tối đa vốn, tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất mất vốn Nhà nước; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.