Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ. Nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C, bỏng rát khiến người đi đường than trời, cảm thấy mệt mỏi.
Theo bác sĩ Anh Tú, say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, nhất là trong trường hợp thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày gần đây. Say nắng, say nóng khi xảy ra nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nói về nguyên nhân xảy ra say nắng, say nóng, bác sĩ Anh Tú cho biết: “Say nắng là khi người lao động hoặc người đi đường di chuyển quá lâu ngoài trời nắng, khi đó các tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy, khiến cho rối loạn điều hòa thân nhiệt. Còn say nóng là tình trạng mất nước toàn cơ thể, kèm theo đó là rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận động mạch”.
Biểu hiện của việc say nắng, say nóng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, tối sầm mặt, choáng váng, khát nước, đau đầu, da mặt đỏ ửng, đi không vững, chuột rút và thân nhiệt tăng.
Khi phát hiện người có biểu hiện bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng đưa người say nắng, say nóng vào nơi mát như bóng cây, nhà, nơi có điều hòa, quạt mát. Lưu ý, không nên tập trung đông người chỗ bệnh nhân đang nằm.
Tiếp theo, cởi bỏ bớt quần áo, chườm nước mát toàn thân (đặc biệt cổ, nách, bẹn), nhấc cao chân cho máu về não, cho bệnh nhân uống nhiều nước mát.
Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn, sốt tăng liên tục kèm với các triệu chứng như đau bụng, đau ngực, khó thở thì nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Vào những ngày nắng nóng như thế này, bác sĩ Anh Tú cũng đưa ra một số lời khuyên, biện pháp phòng say nắng, say nóng: “Khi lao động, tập luyện hay đi lại ngoài trời nắng, phải đội mũ nón rộng vành, tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào người, nên mặc quần áo dài khi hoạt động ngoài trời, khoảng 15-20 phút lại uống nước liên tục, đặc biệt khi có biểu hiện say nắng, say nóng cần nghỉ ngơi ngay”.