Vật vã chống nóng
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua nền nhiệt độ trên khắp cả nước luôn ở mức cao, dù mới vào đầu hè thế nhưng nhiệt độ từ Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia ở mức cao, có nơi lên đến trên 40 độ C.
Chị Nguyễn Như Hoa (Hà Nội) là công nhân vệ sinh, chị bày tỏ sự lo lắng của mình: “Những ngày qua, những người làm lao động chân tay như tôi quả thật rất vất vả, thời tiết nắng nóng người nhễ nhại mồ hôi. Có hôm làm cố, đứng nắng tôi cảm thấy như bị tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt. Không biết, thời tiết nắng nóng này sẽ kéo dài bao lâu nữa”.
Tương tự, chị Linh (Hà Nội) đang nuôi con nhỏ vài tháng tuổi, người mẹ trẻ chia sẻ: “Mấy ngày qua nắng nóng, tôi và chồng phải thay phiên nhau bế con vì cứ đặt xuống là con khóc, quấy. Chưa kể, trời nắng nóng khiến người con phát ban, nhìn con như vậy tôi thương lắm. Nhưng chẳng biết làm thế nào, chỉ biết cố gắng mua quạt hoặc chắt bóp sắm cho con chiếc điều hoà để con đỡ quấy khóc. Nắng nóng thật mệt mỏi”.
Lời khuyên từ bác sĩ
Trước tình hình được dự báo thời tiết nắng nóng kỷ lục trong mùa hè năm nay, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã nghe lời khuyên từ bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết số lượng bệnh nhi nhập viện Nhi đồng 1 do nắng nóng những ngày qua tăng không nhiều.
Tuy nhiên, tiết trời nắng nóng gay gắt là điều kiện khiến cho con người dễ mắc phải các bệnh như say nắng, say nóng, đột quỵ và các bệnh lý liên quan…
Để phòng bệnh trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói: “Tôi chỉ có lời cảnh báo là uống đủ nước, đủ dưỡng chất, ngủ đủ giấc. Đặc biệt, cần lưu ý không ra ngoài nắng mà không có dụng cụ, thiết bị bảo vệ. Hạn chế ra ngoài trời nắng vào lúc trưa khi nhiệt độ đang ở mức tăng cao.
Thêm nữa, có trẻ nhỏ không cho trẻ tắm quá lâu, tắm quá khuya, không cho quạt thổi trực tiếp vào người. Khi nằm điều hoà, cần lưu ý không bật lạnh quá so với nhiệt độ bên ngoài. Trước khi muốn bước ra ngoài thì tắt điều hoà và chờ khoảng tầm 5-10 phút để tránh bị sốc nhiệt”.
Còn đối với người lớn tuổi, người già có nguy cơ bị đột quỵ do thời tiết nắng nóng, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay: “Người lớn cũng cần lưu ý những giờ quá nắng thì không nên ra ngoài, thường xuyên theo dõi huyết áp, còn nếu chơi thể thao thì cũng cần nghe ngóng thời tiết và cơ thể mình để hạn chế bớt vận động. Đặc biệt, cần phải uống thật nhiều nước”.
Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai, thời tiết nắng nóng bất thường là yếu tố tạo thuận, khiến các yếu tố nguy cơ đột quỵ tiến triển ở một số nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như: Huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, hội chứng rối loạn chuyển hóa…
Nếu bệnh nhân không dự phòng tốt thì yếu tố nguy cơ cao khiến cho bệnh nhân rất dễ bị đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, người có yếu tố nguy cơ cần phải cẩn trọng để phòng tránh đột quỵ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, khoảng thời gian từ 12h-16h là nhiệt độ cao nhất do vậy hạn chế lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.
Vì vậy, người dân cần phải đảm bảo uống đủ nước, dùng các phương tiện bảo hộ giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.
Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ sẽ giảm dần
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (25/4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Cảnh báo, nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ giảm dần từ ngày 26/4. Với các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 27-28/4.