Ấn Độ đang đối diện với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong 100 năm qua khiến 92 người thiệt mạng tại miền Đông Bihar.
Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất lịch sử, thậm chí nhiều phụ nữ quyết định không sinh con vì lo ngại biến đổi khí hậu.
Các ca tử vong mới đã được ghi nhận tại các tỉnh Aurangabad, Gaya, Nawada và Jamui của bang này khiến nhiều người giật mình khi con số tử vong đã tăng gấp đôi.
Theo các quan chức y tế, hầu hết nạn nhân trên 50 tuổi và nhập viện trong tình trạng lả đi với các triệu chứng sốt, nôn và đi ngoài.
Hiện tượng nắng nóng nguy hiểm xảy ra vào đúng lúc bang Bihar đang phải chống chọi với tình trạng hàng loạt trẻ em thiệt mạng vì hội chứng viêm não cấp (AES).
Đã có 114 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong và hàng trăm em khác đang phải điều trị trong bệnh viện khi hội chứng viêm não cấp bùng phát trong tháng qua tại một trong số bang nghèo nhất ở Ấn Độ này.
Đi kèm với tình trạng nắng gắt là hiện tượng mất nước. Tại các khu ổ chuột, các vùng ngoại ô đông dân, mỗi hộ gia đình được cấp 600 lít nước vào cả mùa hè lẫn mùa đông và luôn không đủ để "sống sót" cho đến lần nhận nước tiếp theo.
Bao phủ khắp Ấn Độ là một màu nắng gắt với nhiệt độ có nơi lên tới hơn 50 độ C khiến nước trong các hồ chứa dưới lòng đất đều giảm mạnh.
Chưa hết, người ta còn phát hiện thấy một đàn khỉ chết nghi ngờ do say nắng trong rừng Joshi Baba ở bang Madhya Pradesh, nơi nhiệt độ đạt khoảng 46 độ C.
Đáng thương hơn, các con khỉ này được cho là đã chiến đấu với một đàn đối thủ để tranh giành tiếp cận nguồn nước.
Theo báo cáo gần đây của Niti Aayog - một tổ chức nghiên cứu chính sách của Chính phủ, trung bình mỗi năm có tới 200.000 người Ấn Độ tử vong vì thiếu nước hoặc ô nhiễm nước.
Ở hai thành phố được xem là trung tâm công nghệ thông tin lớn như Bangalore và Hyderabad xuất hiện các tay buôn lậu nước, trong khi ở các vùng nông thôn, dân làng phải đi bộ cả chục km để tìm nước hoặc trả giá cắt cổ để mua nước.
Giao thông đường thủy Ấn Độ cũng phải hứng chịu thảm họa khi hàng tỷ lít nước thải, bao gồm cả hóa chất và nước thải chưa qua xử lý được xả ra mỗi ngày.
Ở cấp địa phương, New Delhi đưa ra các hình thức thưởng với những người tiết kiệm nước và phạt những người lãng phí nước.
Liệu Ấn Độ, một quốc gia từng thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc có bị đẩy vào một cuộc chiến với chủ nghĩa đế quốc khác chỉ vì thiếu nước hay không?
Minh Anh (Theo The Time of India, CNN)