Những đợt nắng nóng khủng khiếp đang quét qua nhiều khu vực trên toàn cầu trong tuần này. Bên cạnh những nguy cơ xảy ra cháy rừng, mất nước và thậm chí là tử vong, thời tiết nắng nóng cũng khiến giá thực phẩm gia tăng và lạm phát tiếp tục ở mức cao.
Tạp chí môi trường Grist tuần này đã đề cập đến "heatflation" (kết hợp của heat - nóng và inflation - lạm phát) sẽ khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao hơn nữa.
Theo CNN, nắng nóng đang đe dọa sản lượng mùa màng tại Trung Quốc, đẩy giá thịt lợn tại nước này gia tăng. Ủy ban Châu Âu gần đây đã hạ ước tính thu hoạch lúa mì mềm (có hàm lượng protein thấp hơn) từ 130 triệu tấn xuống còn 125 triệu tấn. Tình hình lương thực toàn cầu càng trở trầm trọng trong bối cảnh tình xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, vốn là những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong tháng này, tổ chức phi lợi nhuận với mục đích cải thiện hệ thống thực phẩm toàn cầu Food Tank cũng lưu ý về các đợt nắng nóng ở quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai trên thế giới là Ấn Độ đang khiến giá lúa mì tăng lên. Đài quan sát Khí tượng Trung ương (CMO) tại Tokyo gần đây cảnh báo nắng nóng có thể gây tổn hại hơn nữa đến sản xuất ngô và đậu nành, làm trầm trọng thêm lạm phát.
Theo Tạp chí môi trường Grist, nắng nóng ở miền Trung Mỹ đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì vào năm ngoái, khiến giá ngũ cốc tăng lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Đợt nắng nóng khắc nghiệt ở bang Kansas miền Trung Tây nước Mỹ vào tháng trước đã khiến hàng nghìn con gia súc bị chết.
Chuyên gia kinh tế Monika Tothova của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng chia sẻ với hãng tin Newsweek trong một email gần đây rằng tác động của các đợt nắng nóng hiện nay đối với sản xuất cây trồng “khá phức tạp, tùy thuộc vào loại cây trồng và vị trí địa lý”.
"Chẳng hạn, đợt nóng tại những khu vực đang thu hoạch lúa mì sẽ khiến giảm độ ẩm cây trồng, sản lượng sẽ giảm nhưng giảm ở mức tương đối ít khi hạt đã được hình thành. Nhiệt độ cao sẽ làm tăng tốc độ chín của cây trồng, điều này đang diễn ra tại một số vùng châu Âu”, bà Tothova cho biết.
Bà Tothova nhận định thêm rằng "Trong bối cảnh thị trường hiện thắt chặt và giá cả đã tăng do một số yếu tố, bất kỳ cú sốc bổ sung nào như vấn đề thời tiết sẽ làm tăng thêm biến động trên thị trường và sức ép đối với giá hàng hóa”.
"Giá lương thực cao là một yếu tố lớn thúc đẩy lạm phát, nhưng cần lưu ý rằng cũng còn những yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá năng lượng, vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng", bà Tothova cho hay.
Ông Bob Keefe, chuyên gia khí hậu và là tác giả cuốn sách Khí hậu học (Climatenomics), chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước với tạp chí Grist: “Chúng ta đang chứng kiến hóa đơn hàng hóa tăng lên. Một phần nguyên nhân của vấn đề giá cả gia tăng là do mất mùa, mưa bão, hạn hán và lũ lụt".
Giáo sư luật và kinh tế David A. Super tại Đại học Georgetown đã nêu quan điểm trên tờ The Hill gần đây: "Nếu muốn kiểm soát được lạm phát, chúng ta phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngay bây giờ".
Phạm Hà Thanh (theo News Week, Grist)