Nâng tầm đặc sản “tiến vua” một thời ở Huế

Nâng tầm đặc sản “tiến vua” một thời ở Huế

Lê Công Thành

Lê Công Thành

Thứ 3, 05/09/2023 15:10

Thừa Thiên -Huế đang thực hiện các phương án xúc tiến thương mại cho sản phẩm Thanh trà Huế, hướng đến xây dựng thương hiệu đặc sản của tỉnh, trái cây ngon quốc gia.

Ngày 5/9, thông tin từ sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, sở vừa phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tổ chức thành công Hội nghị tập huấn phổ biến tuyên truyền, nhận thức về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Thanh trà Huế và thông qua Điều lệ, Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Thanh trà Huế.

Dân sinh - Nâng tầm đặc sản “tiến vua” một thời ở Huế

Trái Thanh trà - đặc sản cung tiến vua một thời ở Huế.

Theo đó, hội nghị này nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho các đơn vị, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả Thanh trà.

Thanh trà được trồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, điển hình như các vùng Thủy Biều (Thành phố Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). 

Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, trái thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên - đều được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua.

Ngày nay, cứ mỗi độ tháng 7 Âm lịch thì những vườn thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, tỏa hương thơm dịu. Mùa thu hoạch thanh trà chỉ kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm.

TS. Lương Đức Toàn, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chia sẻ, quả Thanh trà có một đặc thù riêng với vị ngọt thanh dễ chịu pha chút chua nhẹ, không the, không đắng cùng với mùi hương thơm nhẹ, tự nhiên đặc trưng mà các loại bưởi khác không có được, để lại dư vị sau khi ăn kéo dài.

Tại Hội nghị nêu trên, TS. Toàn cũng đã giới thiệu các nội dung về sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm Thanh trà Huế; các mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Thanh trà Huế cũng như làm rõ các nội dung về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Sản phẩm thanh trà mang chỉ dẫn địa lý “Huế”.

Dân sinh - Nâng tầm đặc sản “tiến vua” một thời ở Huế (Hình 2).

Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố website Thanh trà Huế.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, trong thời gian tới, sở sẽ tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến đối với các sản phẩm từ Thanh trà. Đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng các giải pháp KH&CN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, mã số vùng trồng. Đồng thời, phổ cập, hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lý duy trì chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, các phương án xúc tiến thương mại cho sản phẩm Thanh trà Huế, hướng đến xây dựng thương hiệu đặc sản của tỉnh nhà, cũng như trái cây ngon quốc gia.

Liên quan đến dự thảo về Điều lệ Hội Thanh trà Huế và phương hướng hoạt động Hội Thanh trà Huế, Th.s Nguyễn Phước Nhân, Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc ban hành các quy định quản lý và sử dụng, quy định kiểm soát sẽ làm cơ sở, hành lang pháp lý để thực hiện việc cấp quyền, kiểm soát sản phẩm trước, trong, sau quá trình lưu thông trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo kết quả phân tích, khảo sát của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Thanh trà Huế có những dấu hiệu đặc thù dễ nhận diện so với các sản phẩm khác cùng loại dựa trên các đặc điểm về: Hình dạng quả (dạng quả lê thấp, phía đầu cuống dạng lõm); Trọng lượng quả (719,77 - 911,82g/quả, tỷ lệ đồng đều >70%); Chiều cao quả (12,32 - 12,88 cm, đường kính quả:12,36 - 12,64 cm); Số múi trên quả (12-14 múi); Số hạt trên quả (61,23-112,34 hạt); Màu sắc và trạng thái vỏ quả (màu vàng xanh, nhẵn sáng); Màu sắc và trạng thái cùi (Trắng, dai, khó bóc tách); Độ dai của vách múi (giòn, dễ tách); Màu sắc tép (màu trắng hoặc phớt hồng); Trạng thái tép (thon nhỏ, suôn thẳng, ráo, giòn); Mùi (thơm nhẹ, tự nhiên đặc trưng); Vị (Ngọt thanh pha chút chua nhẹ, không the, không đắng).

Ngoài ra, Thanh trà Huế còn mang những đặc trưng về chất lượng như: Độ Brix trong khoảng từ 9,43-11,23%, đường tổng số trong khoảng từ 7,80 - 9,34 %; Axít tổng số trong khoảng từ 0,58-0,71%; Vitamin C trong khoảng từ 59,29 - 66,20 mg/100g; Protein trong khoảng 0,63-0,72%; Tỷ lệ ép nước khá cao đạt từ 85,43 - 88,30%.

 Lê Kông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.