Chiếc nón lá Việt Nam bao đời nay gắn bó với các mẹ, các chị trong mọi hoàn cảnh thời tiết và trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Khi cuộc sống phát triển, có nhiều loại nón khác đẹp mắt, phong phú hơn, chiếc nón lá vẫn là vật bất ly thân đối với nhiều người phụ nữ lao động, buôn bán.
Nón lá bao đời gắn bó với người dân Việt
Ông cha ta từ xa xưa đã biết lấy lá chụm thành nón để đội lên đầu che mưa che nắng, nón được đan từ nhiều loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, lá tre, lá cối, rơm… Chiếc nón lá Việt Nam có thêm phần dây đeo để giữ nón trên đầu. Nón lá là vật dụng hết sức giản dị và mộc mạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Không ai biết chiếc nón lá có từ bao giờ, chỉ biết tuổi thơ của nhiều người đã từng gắn liền với nó. Trời nóng, mẹ gỡ chiếc nón trên đầu quạt cho con ngủ trong giấc nồng. Trời mưa, nó che những giọt nước mưa thấm đẫm trên mặt mẹ, giải nón bay phất phơ trong gió. Hay trên đường đi ruộng về, thấy mớ rau dại ngon, mẹ sà xuống hái, lúc này chiếc nón thay thế chiếc rổ, mẹ mang về cho kịp bữa cơm trưa. Cứ thế chiếc nón lá gắn bó với người dân quê như vậy, trở nên thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết.
Một buổi sáng tinh mơ, đứng trên lầu nhà nhìn xuống một khu chợ, sẽ thấy nhấp nhô những chiếc nón lá vẫn được đông đảo phụ nữ lựa chọn sử dụng trong hành trình mưu sinh. Những người gánh hàng rong, những chiếc xe đạp bán dạo, những xe ve chai trên khắp Sài Gòn và cả nước… đều mang theo một chiếc nón lá che mưa che nắng. Ẩn dưới những chiếc nón lá ấy là khuôn mặt vất vả cả cuộc đời tảo tần mưu sinh.
Gắn bó với người dân lao động là thế, chiếc nón lá ngày xưa còn theo lính ra trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội… Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, chiếc nón lá là hình ảnh xuất hiện thường xuyên trong những câu chuyện tình yêu hay đời sống dân dã hàng ngày. Chiếc nón cứ thế trở thành một phần trong cuộc sống thôn quê của người dân Việt Nam.
Chiếc nón lá mỗi vùng lại có những nét riêng khác nhau. Nón ngựa hay nón Gò Găng được làm ra từ đôi bàn tay của người dân biển Bình Định. Nón được làm bằng lá dứa, thường được dùng khi cưỡi ngựa, là loại nón thường được các quan lại và binh lính dùng. Vì đặc trưng đi ngựa nên nón thường làm chắc chắn cứng cáp hơn nón thông thường. Bên trong nón trang trí các họa tiết thêu hoa văn, thường là những hình long, phụng, chim trĩ, chim công.
Ở miền Bắc thì có nón quai thao thường đi kèm với trang phục mớ ba mớ bảy. Nón được làm bằng lá cọ hoặc lá gồi hình dạng giống như tai nấm và có quai đeo. Ngày nay loại nón này thường được dùng trong các dịp lễ hội hoặc những buổi hát dân ca quan họ Bắc Ninh.
Ở Huế thì có nón bài thơ, đã có biết bao nhiêu chàng trai đã ngơ ngẩn khi nhìn thấy một tà áo dài tím với chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng. Đây là hình ảnh bao đời nay là biểu tượng của con gái Huế, hiền hậu, đoan trang và thùy mị. Nón bài thơ có đặc điểm nổi bật là nón có hai lớp lá, ở giữa được lồng vào những bức tranh phong cảnh Huế như cầu Tràng Tiền, cửa Ngọ Môn… hoặc những bài thơ ngắn được chọn lọc kĩ càng.
Cho dù loại nón nào đi nữa thì cũng được đôi bàn tay nghệ nhân tỉ mỉ làm ra bằng tất cả tấm lòng và tinh thần làm việc hăng say nghiêm túc từ khâu cahọn lá cho đến công đoạn hoàn thành một chiếc nón.
Một chiếc nón được làm ra phải trải qua nhiều giai đoạn làm mê (là sườn nón), đan sườn, rút sườn, luôn sườn, rồi thắt sườn, sau đó tiếp tục mạng, dọn vành, trang trí họa tiết, khâu cuối cùng mới bủa lá để đan nón.
Thế mới biết để có một chiếc nón lá đội trên đầu không hề đơn giản. Người làm nón phải để trong tác phẩm của mình cái tình, cái tâm thì chiếc nón mới đẹp mới bền được. Nón lá Việt Nam bây giờ còn được bày bán ở những địa điểm du lịch như một món quà lưu niệm về nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nguyên Việt