Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là lễ hội được đón đợi nhiều nhất thời gian qua với sự hội tụ của nhiều dân tộc như: Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Mnông (tỉnh Đắk Nông), Bahnar (tỉnh Kon Tum), Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng), Jrai và Bahnar (tỉnh Gia Lai).
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 chính là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Đây cũng là cơ hội mời gọi và đón nhận đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào và Campuchia.
Với quy mô cấp khu vực, Lễ hội gồm các hoạt động chính: Lễ hội đường phố; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Ngoài ra, còn có một số các hoạt động khác như: Hội chợ thương mại công, nông nghiệp Gia Lai; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.
Lễ hội sẽ có hơn 1.000 người tham gia thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Là đơn vị chủ nhà, các đoàn nghệ nhân của 17 huyện, thị xã, TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) nỗ lực tập luyện từ nhiều tháng trước để mang đến cho du khách những tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Theo ghi nhận của PV, ngay trong chiều 30/11, tại quảng trường Đại Đoàn Kết nơi diễn ra lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, có hàng ngành du khách và người dân địa phương tập trung tại đây háo hức được hòa mình cùng những điệu cồng chiêng được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc màn đậm nét đặc trưng vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Không khí háo hức, rộn ràng, tràn ngập lan tỏa trên khắp mọi nẻo đường.
Theo ghi nhận của PV dòng người nườm nượp đổ về quảng trường Đại Đoàn Kết và chọn cho mình, người thân một chỗ ngồi ưng ý để tiện theo dõi lễ khai mạc.
Trò chuyện với PV, bà Trần Thị Minh (35 tuổi ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) háo hức cho biết: "Đây là một ngày hội lớn và đây là lần đầu tiên tôi được đi xem. Sân khấu được trang hoàng thật hoành tráng, nhìn thôi cũng thấy mê mẩn rồi".
19h30, dòng người đổ về quảng trường ngày một đông. Trên các tuyến đường chính dẫn tới quảng trường như trục đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung chật kín người, lực lượng CSGT, CSTT phải căng mình để giải tỏa ùn tắc.
19h45, mặc dù ban tổ chức đã bố trí nhiều cổng vào tuy nhiên đoàn người phải xếp thành hàng dài cả cây số chờ tới lượt được vào bên trong.
20h, chương trình khai mạc Festival bắt đầu. Mở màn là tiết mục đại cảnh múa hát dàn dựng theo lối sử thi với phần hòa tấu cồng chiêng và ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”. Khán giả được phen mãn nhãn và không khỏi trầm trồ tán dương.