Lý giải việc chưa thể di dời hai du thuyền tại khu vực đầu phố Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết: “Việc di dời du thuyền thuộc thẩm quyền UBND thành phố Hà Nội. Còn việc di dời nhà nổi thuộc thẩm quyền xử lý của quận Tây Hồ và đã thực hiện xong”.
Do đó, để di dời thuyền tại khu vực đầu phố Nguyễn Đình Thi, quận đã tuyên truyền vận động các du thuyền về khu vực Đầm Bảy. Riêng hai du thuyền còn lại, quận Tây Hồ đã báo cáo UBND thành phố và hiện giao cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện. Khi nào Sở Giao thông Vận tải tổ chức di dời, thì quận Tây Hồ sẽ phối hợp.
“Hai du thuyền này nằm đúng vào vị trí nạo vét, nên nếu tiến hành, hai tàu sẽ chìm, đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ nạo vét Hồ Tây chậm so với kế hoạch. Sau khi di chuyển xong hai du thuyền, chúng tôi tiến hành nạo vét khu vực đó, thì công việc mới hoàn thành”, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết.
Trong thời gian tới, Hồ Tây sẽ được nạo vét tại các điểm khác, nhưng sẽ do Ban Quản lý thoát nước Hà Nội thực hiện, quận Tây Hồ là đơn vị phối hợp.
Về hướng giải quyết tình trạng gần đây có nhiều bao cao su nổi trên hồ Tây, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết: "Quận Tây Hồ có Ban Quản lý Hồ Tây để tổ chức triển khai bảo vệ vệ sinh môi trường. Vệ sinh mặt nước đã giao cho Xí nghiệp môi trường Hồ Tây. Liên quan đến việc nhiều bao cao su nổi trên Hồ Tây vào cuối tuần trước, quận đã chỉ đạo các lực lượng vệ sinh ngay và trong vòng 3 tiếng đã làm xong”.
Với khu ống xả thải, quận đã kiểm tra, xử lý và không thể có chuyện xả thải từ nhà hàng khách sạn ra khu vực Hồ Tây, nên không có việc bao cao su đi theo đường ống. “Do đó, có việc đổ trộm bao cao su xuống Hồ Tây. UBND quận đã giao cho Công an quận vào cuộc điều tra làm rõ xử lý nghiêm và báo cáo Thành phố”, ông Nguyễn Lê Hoàng khẳng định.
Theo báo Tin tức