Theo Heritage Daily, hồ nước ngọt Lucerne ở Thụy Sĩ rộng 114 km², có độ sâu lên đến 434m. Dưới lòng hồ có lớp bùn lắng rất dày, chỉ có thể được khảo sát thông qua các dự án lớn.
Tháng 12/2019, một nhóm các nhà khảo cổ học dưới nước thuộc Văn phòng Phát triển Đô thị của thành phố Zurich được giao nhiệm vụ hỗ trợ nạo vét hồ để chuẩn bị cho việc xây dựng một đường ống ở đây. Họ đã ghi chép lại nhiều tài liệu liên quan đến đoạn rãnh mà đội xây dựng đã khai quật để đặt đường ống.
Từ trước đến nay, không có bằng chứng nào đề cập đến việc có một ngôi làng từng bị chìm sâu dưới đáy hồ nhưng tháng 3/2020, máy xúc bất ngờ trục vớt được rất nhiều cọc gỗ và 5 mảnh gốm sứ nằm lẫn trong trầm tích phù sa. Lặn xuống kiểm tra, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện vô số cọc gỗ - dấu hiệu cho thấy từng có một khu định cư của con người ở nơi đây. Nhóm chuyên gia đánh giá sơ bộ rằng các cọc gỗ là dụng cụ từ thời tiền sử dùng làm nhà sàn.
Các mẫu gỗ và đồ gốm sau đó được gửi đi để xác định niên đại Carbon-14, một phương pháp xác định tuổi của một vật có chứa vật liệu hữu cơ. Kết quả cho thấy ngôi làng này có niên đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên hoặc cuối thời kỳ đồ đồng. Đây là nơi định cư sớm nhất của con người ở khu vực Lucerne.
“Khám phá tại hồ nước ngọt Lucerne đã thay đổi hoàn toàn dòng thời gian lịch sử của thành phố, con người đã định cư ở đây từ 3.000 năm trước. Với bằng chứng mới này, thành phố Lucerne được cộng thêm hơn 2.000 năm tuổi so với những gì đã chúng ta đã biết trước đây”, người phát ngôn của thành phố cho hay.
Nhưng vì sao ngôi làng lại bị chìm sâu xuống lòng hồ? Nguyên nhân đến từ cả yếu tố địa lý tự nhiên và tác động của con người. Trong suốt thế kỷ 15, sông Krienbach đã mang theo lượng lớn đá vụn và mảnh vỡ chảy về phía sông Reuss làm hạn chế dòng chảy của hồ. Một phần, do các hiện tượng tự nhiên như mưa bão. Ngoài ra còn có các hoạt động của con người như việc xây dựng đập để ngăn nước cho các nhà máy điện mới, được cho là lý do khiến mực nước hồ tăng thêm khoảng 5m. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính khiến ngôi làng bị chìm rồi dần rơi vào lãng quên.
Minh Hoa (t/h)