NASA “đánh bạc” với tàu thăm dò tỷ đô

NASA “đánh bạc” với tàu thăm dò tỷ đô

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Trong chương trình tham vọng và đắt đỏ nhất từ trước tới nay của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), một con tàu thăm dò thuộc loại hiện đại nhất sẽ đáp xuống sao Hỏa vào Chủ nhật này. Tuy nhiên quá trình hạ cánh được đánh giá là vô cùng khó khăn và NASA sẽ phải chơi bạc với khoản đầu tư trị giá 2,5 tỷ USD của họ.

"Nín thở chờ tin sao Hỏa

Sau 8 tháng trời di chuyển, con tàu vũ trụ mang tên Curiosity (Sự tò mò) với kích cỡ bằng một chiếc xe Mini Cooper đã tới được sao Hỏa. Những ngày tới đây, nó sẽ có các hoạt động không thua gì một vận động viên chuyên nghiệp, khi xoay vòng, vặn xoắn và tiến hành các hoạt động điều chỉnh hướng khác khi đi tìm cách đáp xuống bề mặt sao Hỏa.

Xã hội - NASA “đánh bạc” với tàu thăm dò tỷ đô

Mô phỏng hoạt động của Curiosity trên sao Hỏa.

Nhiệm vụ đáp xuống bề mặt hành tinh Đỏ không hề dễ dàng. Curiosity đã được lập trình để có thể hạ cánh tự động. Nhưng phương thức hạ cánh mới rủi ro tới mức người ta đã gọi 7 phút để con tàu giảm tốc từ 20.000km/h xuống 0 km - thời điểm nó đã ở dưới mặt đất - là 7 phút kinh hoàng.

Ở cách sao Hỏa gần 300.000 km, các nhà khoa học và kỹ sư sẽ căng thẳng chờ đợi tín hiệu phát trở lại từ con tàu thăm dò. Do khoảng cách lớn, sẽ phải mất 14 phút để tín hiệu từ sao Hỏa phát về Trái đất và 14 phút nữa để Trái đất chuyển tín hiệu tới hành tinh Đỏ. Vào thời điểm Trái đất nhận được tín hiệu đầu tiên về việc Curiosity đi vào bầu khí quyển sao Hỏa, thực tế có thể nó đã vỡ tan, hoặc đang nằm yên trên mặt đất. Nếu hạ cánh thành công, một thiết bị video trên con tàu sẽ truyền về Trái đất những hình ảnh ấn tượng về 7 phút mà nó đã trải qua, lần đầu cho thấy quá trình hạ cánh diễn ra trên một hành tinh khác. "Đây sẽ là một bước tiến công nghệ lớn. Đây cũng đồng thời là một canh bạc lớn" - nhà phân tích chính sách không gian Howard McCurdy ở Đại học Mỹ nhận xét.

Canh bạc 2,5 tỷ USD

Gọi cuộc đổ bộ của Curiosity là một canh bạc lớn hoàn toàn không sai. Lần đưa tàu thăm dò xuống hành tinh Đỏ này, NASA đã thí nghiệm một phương thức hạ cánh hoàn toàn mới. Trong các cuộc thăm dò trước đây, những con tàu khác đã hạ xuống bề mặt sao Hỏa theo một phương thức chung: Chúng được "gói" trong những quả bóng hơi và được "ném" thẳng xuống mặt đất. Lớp vỏ bảo vệ đặc biệt sẽ nảy lên vài lần khi va chạm với mặt đất, nhưng gói hàng nó bọc lấy sẽ được an toàn. Các tàu thăm dò cỡ nhỏ như Spirit và Opportunity đã sử dụng phương thức này để hạ cánh thành công.

Nhưng Cusiosity thì khác. Với trọng lượng gần 1 tấn, Curiosity quá nặng để hạ cánh bằng phương thức trên và ma sát với bầu khí quyển của sao Hỏa không đủ để hãm tốc độ rơi của con tàu. Vì thế các kỹ sư phải nghĩ ra một phương thức hạ cánh mới.

Trong quá trình rơi, Curiosity sẽ hãm tốc bằng cách thực hiện nhiều cú lượn vòng hình chữ S - giống như cách tàu con thoi trở lại Trái đất. Khi chạm tốc độ 1.500km/h, nó sẽ bung một chiếc dù khổng lồ để giảm thêm tốc độ. Khi còn cách mặt đất khoảng 1,6km, Curiosity sẽ tách ra khỏi dù và khởi động các động cơ phản lực thuộc hệ thống cần cẩu trên không, giúp nó giảm tốc độ xuống ngưỡng an toàn. Khi con cách mặt đất khoảng 6m, cần cẩu trên không sẽ thả con tàu xuống rồi bay đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Kịch bản được xây dựng chặt chẽ như thế, nhưng các nhà khoa học nói rằng chỉ một cơn bão cát, một sự thay đổi luồng gió hoặc các vấn đề bất thường trong bầu khí quyển của sao Hỏa có thể phá hỏng chương trình trị giá 2,5 tỷ USD này. "Độ khó của cuộc hạ cánh này đã đạt ở trên mức cao nhất là 10 điểm" - Adam Steltzner, một kỹ sư NASA phụ trách nhiệm vụ cho biết.

Sứ giả tìm kiếm sự sống

Theo kế hoạch, con tàu sẽ hạ cánh xuống lòng chảo Gale Crater nằm gần xích đạo sao Hỏa. Ảnh chụp cho thấy khu vực này có các dấu hiệu của đất sét, muối sulfate, những bằng chứng cho thấy nước từng tồn tại. Trong quá trình hoạt động kéo dài khoảng 2 năm, tàu Curiosity với động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân, sẽ di chuyển khắp trong lòng chảo và xem xét các mẫu đất đá ở đây.

Curiosity mang theo khá nhiều "đồ chơi" gồm một hệ thống khoan mạnh, tia laser cắt đá và một phòng nghiên cứu di động để tìm ra các hợp chất hữu cơ, được xem là nền tảng của sự sống. Nó cũng có các máy ảnh toàn cảnh để chụp lại khung cảnh hoang sơ của sao Hỏa.

Được biết nhân loại đã bị mê hoặc bởi sao Hỏa từ thế kỷ 19, khi nhà thiên văn người Mỹ Percival Lowell nhìn qua kính viễn vọng và nói rằng trên sao Hỏa có người sống, thậm chí họ còn đào kênh dẫn nước tưới tiêu. Các nhà khoa học giờ tin rằng sự sống tồn tại trên sao Hỏa, dưới dạng vi bào. Tuy nhiên đáp án cho việc có sự sống ở hành tinh Đỏ hay không sẽ phụ thuộc lớn vào việc liệu Curiosity sẽ thành công hay thất bại khi hạ cánh xuống đây.

Thảo Nguyên (tổng hợp)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.