Theo Sci-News, "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA vừa xác định được hành tinh thứ hai trong hệ TOI-700d hội đủ ba điều kiện vàng cho một nền văn minh ngoài Trái Đất: Kích thước bằng với địa cầu, có thể là hành tinh đất đá và nằm trong "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ.
Đó là TOI-700e, cách chúng ta khoảng 100 năm ánh sáng, một trong các thành viên của hệ hành tinh quay quanh ngôi sao loại M2 mang tên TOI-700, thuộc chòm sao Kiếm Ngư (Dorado) theo góc nhìn từ Trái Đất.
Ngôi sao này có khối lượng và kích thước bằng khoảng 40% Mặt Trời với nhiệt độ bề mặt bằng một nửa. Nhờ có TESS vào năm 2020, NASA đã tìm được tổng cộng 3 hành tinh quay quanh ngôi sao này, với 2 hành tinh xấp xỉ Trái Đất.
Thứ nhất là TOI-700b, gần bằng Trái Đất, có thể là hành tinh đá và quay một vòng quanh sao mẹ mất 10 ngày. Thứ hai là TOI-700c, là siêu Trái Đất với kích thước gấp 2,6 lần địa cầu và quỹ đạo 16 ngày. Thứ ba là TOI-700d gấp 1,1 lần Trái Đất và nằm trong "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ .(“Vùng sự sống” hay còn được gọi là “vùng Goldilock”, là khu vực cụ thể trong một hệ hành tinh, nằm cách ngôi sao một khoảng nhất định, đủ để nhiệt độ bề mặt hành tinh không quá nóng, hoặc quá lạnh, và nước lỏng có thể tồn tại).
Điều đó biến TOI-700d trở thành ứng cử viên tiềm năng cho một hành tinh sống được, với nhiệt độ bề mặt khoảng âm 3 độ C. Nó cũng giống như 2 hành tinh kia đều bị "khóa" với sao mẹ, tức luôn quay chỉ 1 mặt về phía sao mẹ như Mặt Trăng bị khóa với Trái Đất. Tình trạng này khiến một nửa hành tinh chỉ có ban ngày, một nửa là ban đêm.
Thế nhưng nhóm nghiên cứu phối hợp giữa Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực, Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA và Đại học Maryland vừa tìm ra một hành tinh thứ tư là TOI-700e.
Emily Gilbert, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Nam California, người phụ trách hoạt động nghiên cứu về TOI 700 e, cho biết, hành tinh này có kích thước tương đương với Trái đất và nhỏ hơn 10 % so với hành tinh TOI-700d. TOI 700 e chỉ mất 28 ngày để quay quanh ngôi sao của nó, trong khi TOI 700 d mất đến 37 ngày.
TOI-700e nằm ở quỹ đạo giữa TOI-700c và TOI-700d, tức ấm hơn TOI-700d một chút. Cho dù có thể cũng bị “khóa”, nhưng các nhà khoa học kỳ vọng khoảng cách lọt thỏm giữa vùng sự sống này cho nó một khí hậu ôn đới và dễ sống.
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.
TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite) là một kính viễn vọng không gian, được thiết kế để tìm kiếm các hành tinh ngoài Thái dương hệ, sử dụng phương pháp vận chuyển trong một khu vực lớn hơn 400 lần so với nhiệm vụ của kính viễn vọng Kepler.
TESS được phóng lên vũ trụ vào ngày 18/4/2018 bằng một tên lửa đẩy Falcon 9. Nhiệm vụ chính của TESS là khảo sát các ngôi sao sáng nhất nằm gần Trái đất và ghi nhận sự thay đổi về độ sáng của những ngôi sao này, hình thành khi các hành tinh di chuyển qua khu vực phía trước ngôi sao.
TESS sẽ sử dụng một loạt các camera trường rộng để thực hiện khảo sát khoảng 85% bầu trời. Với TESS, các nhà khoa học có thể nghiên cứu khối lượng, kích thước, mật độ và quỹ đạo của một nhóm lớn các hành tinh nhỏ.
TESS bắt đầu quan sát bầu trời phía Nam vào năm 2018, sau đó quay sang bầu trời phía Bắc. Năm 2020, sứ mệnh lại tập trung vào bầu trời phía Nam để quan sát thêm và phát hiện hành tinh thứ tư trong hệ thống TOI 700.
Nhiệm vụ TESS chính thức kết thúc vào năm 2020, nhưng sau đó được gia hạn và hành tinh mới được phát hiện ngay trong năm 2021.
Ben Hord, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA cho biết: “Nếu ngôi sao ở gần hơn một chút, hoặc TOI 700 e lớn hơn một chút, chúng ta đã có thể phát hiện ra nó trong năm đầu tiên của sứ mệnh TESS. Nhưng tín hiệu quá yếu, nên cần thêm một năm quan sát hoạt động di chuyển của hành tinh, mới xác định được hành tinh mới.”
Cho đến nay, TESS đã quan sát 75% bầu trời và tìm thấy 66 ngoại hành tinh mới, hoặc các thế giới khác nằm ngoài Thái dương hệ của chúng ta. TESS cũng tìm thấy khoảng 2.100 thực thể mà các nhà thiên văn học đang nghiên cứu xem chúng có phải ngoại hành tinh hay không.
M.H (t/h)