“Giá như tôi không quá khó gần”
Nghệ sĩ sáng tạo thường phải đối diện với những khoảng trống và nỗi cô đơn trong tâm tưởng, với anh sự cô đơn đó hiện hữu ra sao?
Tôi vừa quen vừa không quen với khoảng trống đó. Tôi cô đơn từ khi còn rất nhỏ. Tôi biết mình khác biệt, sự khác biệt đó tách tôi ra khỏi những người khác. Ở trong môi trường quốc tế điều này đã khó chấp nhận, ở Việt Nam điều đó còn khó hơn. Sự cô đơn ấy phần nào đó thúc đẩy sự sáng tạo, cho mình sự nhạy cảm, những cảm xúc thăng hoa cuồng điên, nhưng đương nhiên sự cô đơn đó chẳng ai mong muốn. Tôi nhận ra một điều tôi không bao giờ nằm ngủ ở giữa giường mà luôn nằm lệch hẳn sang một bên.
Nhạc sĩ, ca sĩ Nathan Lee. Ảnh: ione
Đôi khi trong âm nhạc, trong nghệ thuật tôi không cô đơn. Nhưng trong cuộc sống thì có. Kể từ khi về Việt Nam, tôi may mắn có những bạn bè thân thiết có thể chia sẻ với mình những điều tâm đắc về cuộc sống hay văn hóa, nghệ thuật. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi những người bạn quý như vậy.
Sự cô đơn đeo đuổi nghệ sĩ khiến họ trở nên khắc nghiệt?
Tôi ở nước ngoài từ nhỏ mà cũng xa gia đình, đôi khi cũng mệt mỏi vì sự đơn độc của mình. Có một điều tôi rất ghét bản thân đó là sự nhạy cảm quá của mình. Trong cuộc sống, mọi người thấy tôi mạnh mẽ và tính cách của tôi cũng bất cần, nhưng tôi biết nhạy cảm quá không hay lắm đâu (cười). Tôi mong mình bớt nhạy cảm đi và sống hết mình, yêu hết mình với mọi điều xung quanh nhiều hơn, để mình đừng quá khó gần, xa vời trong mắt một ai đó hay có những đòi hỏi quá cao trong cuộc sống.
Tự bản thân mình anh đã sống hết mình như suy nghĩ chưa?
Tôi luôn sống theo đúng mong muốn của mình, luôn làm những gì mình muốn, yêu thương những người mình đồng cảm chứ không cố phải uốn mình thành người khác để làm vừa lòng mọi người. Điều này không hẳn là điều hay. Nghệ sĩ nước ngoài cũng vậy thôi, hình ảnh người ta nhìn vào thường không phải là con người thật của họ. Đôi khi vẻ bề ngoài của tôi cũng khiến người ta khó gần. Khi gặp quá nhiều áp lực trong cuộc sống, tôi dễ nổi nóng nhưng tôi cũng mau nước mắt lắm, khi xem một bộ phim tôi có thể khóc ngon lành, hoặc cũng cười hết cỡ.
Tôi luôn trong trạng thái nhạy cảm như vậy, khi đi hát, mỗi lần bước lên sân khấu tôi rất hồi hộp, tôi cầu toàn và muốn buổi diễn phải thật hoàn hảo để không phụ lòng khán giả và những bạn bè tin yêu mình. Tôi nghĩ nghệ sĩ thường bị áp lực khi muốn làm hài lòng tất cả khán giả và hơn hết là chính mình hài lòng với phần trình diễn của mình. Chính áp lực này khiến tôi luôn nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ là để làm hài lòng khán giả mà còn vì lòng tự trọng của một nghệ sĩ muốn mình xứng đáng với tình yêu và những tràng pháo tay khán giả dành cho mình.
Phía sau sân khấu tình yêu vẫn hát
Nghệ sĩ là những đứa trẻ, đôi khi họ bước lên sân khấu lớn với tâm lý háo hức chờ đợi những phần thưởng, anh có phải là một đứa trẻ háo hức được đón nhận và yêu thương như vậy không?
Tôi đúng là một đứa trẻ con to xác. Tôi nghĩ ai cũng muốn người khác yêu thương mình, với nghệ sĩ thì điều này càng mãnh liệt hơn. Sân khấu lớn cho tôi sự háo hức và cả những áp lực vì thời lượng xuất hiện chỉ bấy nhiêu bài, mình phải làm sao để thể hiện tốt nhất. Chẳng mấy khi tôi cảm thấy thật sự hài lòng khi kết thúc chương trình vì nghĩ đáng lẽ ra, mình đã phải làm tốt hơn thế. Còn ở sân khấu nhỏ với sự gần gũi ấm cúng, tôi được thể hiện đúng là mình một cách chân thực nhất.
Tôi có thể tâm sự, cười, nói hồn nhiên với khán giả, với bạn bè - những người mà họ tìm đến thực sự vì yêu mến mình, hiểu mình, những giờ phút đó hát mà như tâm sự với người tri kỳ vậy, mỗi lần hát xong về nhà tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Tôi hay tự dằn vặt bản thân, nhưng cũng có thể sướng điên người chỉ vì những niềm vui rất nhỏ. Tôi nhớ hồi còn bé, tôi thường vui sướng với những điều rất đơn giản, chỉ là một ánh mắt, một cử chỉ yêu thương thoáng qua hay một cuốn sách nhỏ được tặng… Bây giờ có thể mình không bằng ai nhưng mình có điều kiện hơn rất nhiều người khác, vậy mà đôi lúc mình đã quên đi những niềm vui rất nhỏ đó, rất là đáng tiếc. Tôi hay đẩy mình đến những hoàn cảnh, trạng thái bức bối, bùng nổ để thấy mình đang tồn tại.
Những lúc rời khỏi sân khấu, rời khỏi những tràng pháo tay tung hô của khán giả, trở về cuộc đời bình thường anh thấy thế nào?
Lúc vui, lúc buồn. Tôi là người tham lam, khi khán giả thấy mình hát tốt họ ủng hộ, tôi vui lắm nhưng bản thân tôi vẫn muốn làm tốt hơn nữa. Nhiều khi xem lại những video tôi tự dằn vặt mình sao chỗ mình có thể hát tốt hơn thế mà chỉ được đến thế. Mình đâu có thể hoàn hảo được đâu, tại sao không hạnh phúc với những điều tốt đẹp đang xảy ra? Quan trọng là vào lúc đó mình đã hết mình. Tôi là người hay làm khổ bản thân. Tôi sợ đến trễ giờ lắm, những người bạn của tôi hay trễ giờ lắm nhưng nếu để ai chờ đợi mình tôi thấy rất khổ tâm.
Nghệ sĩ thì hay phó thác công việc của mình cho người quản lý còn tôi thì không, mọi việc tôi đều muốn tự mình sắp xếp để mình có thể yên tâm nhất về chất lượng công việc. Đôi khi tôi nghĩ nếu mình biết ít đi một chút thì cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. Tôi ra đời từ rất sớm, tôi sống ở nước ngoài từ nhỏ nên tư duy rất thoáng nhưng với bản thân mình tôi lại bảo thủ lắm. Khi yêu tôi yêu rất chung thủy và tôn thờ tình yêu đó. Với tôi tình yêu là điều thiêng liêng nhất trên đời. Ở phía sau sân khấu, ngoài niềm đam mê với nghệ thuật trái tim tôi còn chỗ cho tình yêu tiếp tục ngân nga tiếng hát.
Dường như anh còn quá hoang mang với tất cả mọi thứ?
Tôi vừa đơn giản lại vừa rất rắc rối. Có người suốt đời không biết mình muốn gì. Nhưng may mắn là ngay từ nhỏ tôi đã biết mình muốn được hát, muốn được yêu thương. Tôi không nói đến thành công ở đây vì trong tình yêu hay sự nghiệp chẳng ai có thể biết những gì mình sẽ đạt được, nếu không nó không phải tình yêu và đam mê thực sự mà chỉ là tính toán. Tôi đã dần dà có được vị trí trong làng nhạc bởi sự nỗ lực của mình, tôi không gọi đó là tham vọng mà là lòng cầu tiến. Có những lúc tôi muốn buông mọi thứ, nhưng trong những lúc yếu đuối đó đứa trẻ trong tôi trỗi dậy và đòi được yêu thương, đòi được viết nhạc, được hát, chính điều đó đã giúp tôi tự nhìn sâu vào bản thân mình để thấy sự tồn tại của mình, liệu có còn ý nghĩa hay không nếu mình hèn nhát lùi bước.
Sự hơn thua với anh có quan trọng không?
Tôi nghĩ rất quan trọng. Tôi là người háo thắng nhưng tôi không so sánh tôi với ai khác. Tôi bất cần và quá thẳng thắn, một người ít tuổi hơn mà tài giỏi tôi khâm phục vô cùng, nhưng một người lớn tuổi sống không có tư cách, bất tài tôi rất coi thường. Tôi không kính lão đắc thọ được, tôi chỉ phục người có tâm có đức sau đó mới là tài. Tôi hơn thua với cả bên ngoài lẫn chính bản thân mình, nhưng chiến đấu với mình thì có áp lực hơn (cười).
Khi mình hát hay thì có bao nhiêu người nghe thấy, nhưng khi mình hát chưa tốt trên một chương trình lớn nào đấy thì mình nghĩ, chắc cả thế giới này đã thấy điều đó. Tôi nghĩ sự sân si, sự cạnh tranh là tốt. Tôi rất phục Tùng Dương trên sân khấu vì anh ấy điên và tự tin trên sân khấu, Tùng Dương có thể nhập hồn vào bài hát ở bất cứ lúc nào anh cất tiếng hát. Bình thường những bài đầu tiên mình hát chưa thật sự nhập hồn nhưng càng hát mình sẽ càng thăng. Vấn đề ở chỗ không phải chương trình nào mình cũng có cơ hội để làm điều đó, đây là điều mà nghệ sĩ nào cũng phải vượt qua.
Dù sao tôi cũng biết mình không thể làm vừa lòng tất cả mọi người trên đời này. Tôi có bao nhiêu tiền về Việt Nam tôi làm album hết, nhiều người nói tôi điên không chịu chạy sô nhiều kiếm tiền, nhưng tôi muốn chia sẻ tác phẩm, tâm hồn mình với một thái độ trân trọng nhất. Những sản phẩm âm nhạc được đầu tư nghiêm túc với tôi là sự thỏa mãn chính mình và quan trọng hơn đó là chia sẻ với những khán giả đồng cảm. Tôi từng được những lời hát của một ca sĩ nào đó khiến mình thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Và tôi cũng muốn tiếng hát của tôi, biết đâu đấy đang xoa dịu cho tâm hồn một ai đó đang cô đơn, đau khổ.
Thiên Ca
* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL