Theo tờ National Interest, khi nhắc tới vấn đề Syria trong thời gian này, câu hỏi luôn đặt ra là khi nào các phiến loạn nổi dậy ở vùng ngoại ô phía Đông Ghouta đầu hàng trước các lực lượng của Bashar al-Assad.
Hiện tại, phe nổi dậy vẫn còn kiểm soát tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc, một số vùng ở tỉnh Daraa ở miền Nam, và một vùng nông thôn của Syria. Dù vậy, mục tiêu của các nhóm phiến quân là lật đổ chế độ ở Damascus không còn là một viễn cảnh có khả năng xảy ra.
Chiến dịch quân sự của Chính phủ Syria ở Đông Ghouta kéo dài 5 tuần qua phần nào cho thấy chiến tranh đã làm suy yếu phe đối lập như thế nào kể từ khi Moscow quyết định triển khai lực lượng không quân vào tháng 9/2015 để "cứu" chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuần trước đã là khoảng thời gian khốn đốn nhất đối với 3 phe nổi dậy chính ở Syria là Jaish al-Islam, Faylaq al-Rahman và Ahrar al-Sham. Đó cũng là những ngày cơ cực đối với 400.000 người dân Syria ở Ghouta, những người đã bị "giam lỏng", bỏ đói và sống chung với bom đạn, giết chóc trong suốt 5 năm qua.
Giống như Homs, Daraya và Đông Aleppo, các lực lượng Chính phủ Syria đã tận dụng thời gian cũng như sự đấu đá giữa các phiến quân để làm lợi thế cho mình. Chiến thuật của quân Chính phủ Syria đối với mỗi chiến dịch là tương đối giống nhau: Vây hãm khu vực phiến quân, cắt đứt tuyến viện trợ thuốc men và thực phẩm của các chiến binh, sau đó phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của các tay súng trong khu vực và cuối cùng đề xuất thỏa thuận sơ tán để đổi lấy sự kiếm soát đối với các vùng đất.
Các phiến quân khi bị cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và mất sự hậu thuẫn từ các nhà tài trợ nước ngoài sẽ phải phải đối mặt với hai lựa chọn: đầu hàng vô điều kiện và sơ tán về phía Bắc, hoặc chết vì đói và những đợt ném bom. Kết quả cuối cùng là quân đội Chính phủ Syria luôn giành được phần thắng.
Do đó, theo National Interest, dù muốn hay không muốn thừa nhận thì có một sự thực là Mỹ luôn cần phải tiếp tục phát triển chính sách Syria dựa trên sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad trong nhiều năm tới.
Đây chắc chắn không phải là kịch bản Washington mong muốn, nhưng đó là kịch bản mà chính quyền Donald Trump sẽ phải theo đuổi. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng phác thảo chính sách của Mỹ về Syria vào đầu năm nay, trong đó bao có việc sử dụng sự hiện diện của quân đội Mỹ làm đòn bẩy để thay đổi tiến trình chính trị ở nước này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh chiến thuật đó vượt quá khả năng của Washington. Không có tiến trình ngoại giao có thể thúc đẩy được Damascus bởi hiện tại nó không nằm trong sự quan tâm của chính quyền Assad.
Vậy Mỹ sẽ làm gì? Có cách nào Washington có thể làm việc với chính quyền Damascus một lần nữa sau những cáo buộc của Mỹ rằng Chính phủ Syria đang phạm phải những tội ác chiến tranh to lớn?
Lưỡng đảng Mỹ nhất trí tin rằng Assad là một nhân vật thiểu số ở Trung Đông, hiện giờ hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của quân đội nước ngoài cho sự sống còn của bản thân. Nhưng trong thời gian tới, chắc chắn sự hiện diện của chính quyền Assad sẽ khiến Mỹ phải thừa nhận và Washington không thể tiếp tục làm ngơ. Dù vậy, chính sách Trung Đông của Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn, dù có hoặc không có Assad.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, chiến thắng của Tổng thống Assad lại có thể mang lại cho Lầu Năm Góc một cơ hội để “dìm” Nga xuống. Chính Moscow phải chịu trách nhiệm về sự hồi sinh của chính quyền Assad, do đó Syria sẽ luôn gọi tên Nga mỗi khi quốc gia Trung Đông này gặp rắc rối.
Nền kinh tế của Syria sau gần 10 năm chiến tranh gần như kiệt quệ hoàn toàn, trong khi ngành y tế tiều tụy, còn chủ quyền quốc gia bị tổn hại. Đó chắc chắn không phải là điểm có lợi đối với Nga, khi Damascus là một đồng minh. Syria sẽ cần ít nhất 200 tỷ đô la để xây dựng lại nhà cửa cho người dân, các bệnh viện, nhà máy, trang trại, trường học... mà nay chỉ còn là đống đổ nát. Trong khi đó ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin, người đang phải lãnh đạo một kinh tế suy thoái và cô lập, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình trợ giúp Syria, Mỹ và các nước phương Tây từ chối trợ giúp tái thiết Syria.
Do đó, chấp nhận sự có mặt của chính quyền Assad, đẩy toàn bộ những rắc rối xung quanh việc tái thiết Syria sang cho phía Kremlin, đồng thời duy trì khả năng tấn công các nhóm khủng bố ở Syria có thể đe dọa lợi ích của Mỹ - cho tới nay được đánh giá là bước đi tốt nhất của chính quyền Tổng thống Trump, theo National Interest.
Xem thêm: Tình báo Iraq diệt thủ lĩnh IS ở gần biên giới Syria