Đầu năm sau, khi Tổng thống tân cử Donald Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng, một nhóm lực lượng quân sự mạnh nhất của NATO cũng sẽ được ấn định tiến vào Đông Âu.
Liên minh được triển khai bao gồm bốn nhóm chiến đấu bọc thép được dẫn dắt bởi Anh, Canada, Đức và Mỹ với mục tiêu chiến lược là tạo thành thế phòng thủ chống lại Nga. Lần lượt các tiểu đoàn sẽ tiến vào Ba Lan và các nước Baltic của Lithuania, Latvia và Estonia.
Cơ cấu lực lượng được huy động từ nhiều quốc gia thành viên NATO với trang bị các loại xe chiến đấu bọc thép và xe tăng - một động thái tăng cường sự hiện diện đáng kể của liên minh quân sự này ở phía đông.
Kế hoạch được công bố lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh Warsaw hồi tháng Sáu, chỉ vài ngày sau khi cuộc bỏ phiếu Brexit - Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Đây từng được coi là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự đoàn kết của phương tây trong việc tạo "ngăn chặn các mối đe dọa" từ Moscow, tuy nhiên trong bối cảnh chiến thắng bất ngờ đến từ Trump, biên tập viên Peter Apps của Reuters cho rằng một số quốc gia châu Âu đang lo ngại kế hoạch được gửi gắm 6 tháng trước của họ có thể phá sản.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton từng nhiều lần cáo buộc Trump đang cố tình muốn đưa Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi NATO.
Nhưng nếu phân tích kỹ lại, phát ngôn của nhà tỷ phú không hẳn khẳng định điều đó. Ông chỉ mô tả liên minh hiện quá "lỗi thời" và cam kết sẽ "xem xét" lại vai trò thành viên của Mỹ trong khối này do phải bỏ ra chi phí quá lớn.
Chiến thắng của Trump khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn với những quan chức kỳ cựu của NATO. Tổng thư ký Jens Stoltenberg từng cảnh báo liên minh sẽ không phí thời gian cho châu Âu hay Mỹ mỗi người đi một hướng.
Cuối tuần trước, tờ Russia Today dẫn nguồn tin trên báo chí Đức nói rằng các quan chức NATO đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong trường hợp Trump rút quân Mỹ rời khỏi Châu Âu, bất chấp việc mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù vậy, ít người có thể phủ nhận một điều rằng mối quan hệ Mỹ-Nga sẽ ấm hơn đáng kể so với dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama hay George W. Bush.
Phía Nga tỏ ra thận trọng hơn khi một số quan chức lo ngại Trump có thể sẽ thúc đẩy mạnh hơn các biện pháp trừng phạt đối với Moscow về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Dmitry Medvedev trong tuần này cho biết ông hy vọng mọi thứ sẽ vẫn giữ nguyên hiện trạng. Trong khi đó cuộc gặp của Trump và Putin sẽ được giới quan sát theo dõi kỹ lưỡng.
Tuy nhiên Peter Apps đánh giá quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ nhanh chóng đi xuống do mang cá tính và cái tôi quá lớn. Đặc biệt là thái độ của Trump có thể sẽ không nhiệt tình như trước. Ông cho rằng một "sự tương đồng sớm" không có nghĩa rằng nó sẽ bảo đảm cho một tình bạn lâu dài.
Theo điện Kremlin, các quan chức Nga vẫn "tiếp xúc" với các thành viên trong chiến dịch của Trump trong suốt cuộc bầu cử. Một số cố vấn cao cấp của Trump trước đây đã từng làm việc cho các đồng minh của ông Putin chẳng hạn như cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Bình luận viên Peter Apps cho rằng trong khi Trump và Putin dành cho nhau những lời khen trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, hai bên sẽ nhìn thấy "bộ mặt thật của nhau" trong các thách thức quyền lực thời gian tới.
Với thuận lợi từ cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, các quan chức Nga có thể trở lại bàn đàm phán với Mỹ trong một số lĩnh vực vốn bị đình trệ từ lâu. Một đề nghị làm dịu đi căng thẳng hai nước có thể là khả thi nhất - trong đó bao gồm vấn đề mở rộng quy mô lực lượng của NATO trong thời gian tới đây.
Giới lãnh đạo Nga đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn riêng của mình. Nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng mất giá. Bản thân ông Putin dù quyền lực vẫn còn mạnh mẽ nhưng đã bước vào tuổi 64, trong khi kế hoạch tương lai của ông vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, Peter Apps đánh giá ông Putin "đang bay cao" cho tới thời điểm này. Can thiệp quân sự của Nga ở Syria đã làm thất bại mọi hy vọng của chính quyền Obama trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gây ảnh hưởng bằng một giải pháp chính trị trong tương lai ở quốc gia này.
Tại châu Âu, việc sáp nhập Crimea và xung đột ở miền đông Ukraine cho thấy Nga đã sớm thức dậy sau cơn ngủ say và đi ra khỏi chủ nghĩa biệt lập - một điều đáng sợ đối với các nước phương Tây.
Tất nhiên vẫn có những giới hạn rõ ràng về sức mạnh quân sự khi Moscow cho thấy họ không muốn đẩy mạnh thêm lực lượng ở Ukraine trong thời điểm hiện tại, do cần phải phân bố hợp lý giữa các chiến trường khác.
Cách tiếp cận cứng rắn này thực tế đã đem lại hiệu quả về sự thị uy trước các chính phủ phương Tây vốn đang gặp nhiều bất ổn, đồng thời làm mạnh thêm sự ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin.
Bằng sự thể hiện mình như một quốc gia đi theo lẽ phải, Nga đã làm rất tốt trong việc hỗ trợ sự phát triển của các chính trị gia không chính thống, bao gồm cả chính Donald Trump.
Sự gia tăng của các đảng cánh hữu và các chính khách đối lập tiếng nói ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng di cư và sự sụp đổ của chính phủ thân phương Tây của Estonia là điều kiện tốt mang lại tầm ảnh hưởng lớn của người Nga tại châu lục này.
Với việc Mỹ rút lui khỏi NATO, hệ quả dẫn đến là một số chính phủ khác có thể nhanh chóng gia tăng chi tiêu quốc phòng để bù đắp lại - điều mà các quốc gia gần Nga như Ba Lan và vùng Baltic đã thực hiện trước đó. Nhưng nó cũng sẽ là giọt nước tràn ly khiến Moscow phải "chơi tất tay" - đặc biệt khi quyết định của Trump trong tương lai vốn được coi là vô cùng khó lường.
Trên thực tế nếu Clinton thắng, mọi chuyện có thể đi theo một hướng khác - nhưng nó không chắc là an toàn hơn Trump.
Không phải ngẫu nhiên mà ứng cử viên của đảng Dân chủ được coi là chính khách hiếu chiến nhất đối với Nga kể từ sau cựu Tổng thống Ronald Reagan.
Đội ngũ của Clinton xác định rõ Putin giống như một kẻ thù hiện hữu duy nhất của nước Mỹ, đặc biệt là sau cáo buộc các tin tặc Nga tấn công trong chiến dịch bầu cử.
Trong khi ông Putin và điện Kremlin gần như chắc chắn cũng nhận thức về Clinton trong một cách nhìn tương tự - khi bà từng mang lại không ít sự khó chịu trong thời gian làm Ngoại trưởng.
Như một động thái ủng hộ các đồng minh NATO, bà Clinton có thể leo thang các cuộc đối đầu căng thẳng với Nga ở Ukraine và Syria. Trước đó bà từng công khai xem xét việc áp đặt một "vùng cấm bay" ở Syria, một kế hoạch có thể nhìn thấy trước được viễn cảnh máy bay Nga-Mỹ đối đầu nhau trên không.
Peter Apps nhận định đây là một sự may mắn cho cả Nga và Mỹ khi kịch bản của Clinton đã lùi về phía sau hậu trường. Trong một suy đoán có vẻ rất dễ trở thành hiện thực, Trump dường như sẵn sàng cung cấp cho Putin nhiều không gian hơn ở cả Syria và Ukraine, nơi mà chính phủ ở Kiev từng rất kỳ vọng vọng chính quyền Clinton sẽ hỗ trợ nhiều hơn về quân sự và ngoại giao.
Tránh một cuộc đối đầu không cần thiết với Nga rõ ràng là một điều hợp lý nhất trong lúc này khi giúp ngăn cản một cuộc chiến tranh bùng nổ và đặc biệt hơn là nguy cơ leo thang hạt nhân.
Tuy nhiên, Moscow gần như chắc chắn sẽ không khoan nhượng ở vùng biên giới một khi mối đe dọa với quốc gia này từ phương Tây vẫn còn.
Quốc Vinh