Thông tin này được đưa ra hôm thứ Ba, trong bối cảnh các khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine không được đưa vào dự luật chi tiêu tạm thời mà Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước nhằm tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Lo ngại mới về tương lai của các gói viện trợ từ Mỹ đã nảy sinh trong ngày 3/10 khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, một quan chức kêu gọi hỗ trợ Ukraine, bị trục xuất khỏi vai trò lãnh đạo cơ quan này bởi các đồng nghiệp từ phe đảng Cộng Hòa.
Chính điều này mang lại nhiều lo ngại cho Ukraine, khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 20 và bắt đầu lộ rõ nhưng câu hỏi về khả năng Moscow có thể tự tin trụ vững lâu hơn những hứa hẹn về viện trợ mà các nước phương Tây đã đưa ra cho Ukraine.
Đô đốc Rob Bauer của Hà Lan, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO và quan chức quân sự cấp cao nhất của NATO đã bình luận về lượng đạn dược dự trữ còn lại của phương Tây trong một buổi thảo luận tại Diễn đàn Quốc phòng Warsaw vào thứ Ba vừa rồi: “Chúng ta đã có thể thấy sắp sửa chạm đáy”.
Ông cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy đáy thùng. Chúng ta đã tặng nhiều hệ thống vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhưng không phải từ một kho dự trữ đầy đủ, mà từ kho dự trữ đã vơi đi một nửa hoặc vơi đi rất nhiều ở châu Âu. Hiện các loại khí tài quân sự đang cạn kiệt”.
Cũng tại diễn đàn này, ông James Heappey, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Anh cho biết, mặc dù lượng dự trữ đạn dược có thể cạn kiệt, những gói viện trợ cho Ukraine vẫn cần được thực hiện và các nước phương Tây cần đẩy mạnh sản xuất để bắt kịp nhu cầu sử dụng này.
“Chúng ta cần phải giúp Ukraine trụ lại trong cuộc xung đột trong ngày hôm nay, ngày mai và những ngày sau đó nữa”. Điều này có nghĩa là “chúng ta cần phải tiếp tục viện trợ, ngày này qua ngày khác, và sản xuất bổ sung vào kho dự trữ của chính chúng ta”.
Đồng thời, các nhà phân tích cảnh báo “kho vũ khí dân chủ” của Mỹ cần phải được tận dụng triệt để, nếu không muốn nỗ lực chiến tranh của Ukraine gặp phải rắc rối.
Thomas Warrick, thành viên cấp cao của Atlantic Council trong tuần vừa rồi viết: “Mỹ và các nước đồng minh đang gửi nhiều loại đạn dược tới Ukraine, nhưng chúng không được sản xuất và vận chuyển đủ nhanh như cần thiết”.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael McCord cho biết: “Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung, chúng tôi buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm các khoản hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không và các loại đạn dược quan trọng khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn trong mùa đông tới”.
Tổng giá trị các gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã đạt tới con số khổng lồ 46,6 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột nổ ra tính tới ngày 31/7/2023. Các đồng minh trong khối NATO cũng đã viện trợ hàng tỷ USD.
Các lãnh đạo quân sự cũng công nhận đạn dược đang được sử dụng quá nhanh trên chiến trường.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ thêm, binh lính Ukraine bắn khoảng 2.000 tới 3.000 viên đạn pháo tự hành mỗi ngày.
Trong tháng 7, Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này đã viện trợ tổng cộng 2 triệu viên đạn pháo tự hành cho Ukraine.
Chưa hết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông tin thêm: “Đây là một cuộc xung đột mà cả hai phe sử dụng pháo tự hành triệt để. Chúng ta đã chứng kiến lượng lớn đạn pháo được bắn từ cả hai phía, và thực tại đó đã đè nặng lên nguồn cung ứng đạn dược quốc tế”.
Cùng với đó, lượng đạn pháo cỡ 155mm của NATO mà Washington cung cấp cho Ukraine đã thấp đến mức chính phủ Mỹ đã quyết định viện trợ loại bom chùm cho Ukraine gây nhiều tranh cãi.