Sau 9 năm chiến đấu ở Libya, các cường quốc phương Tây đã không thể ngăn chặn sự chia cắt giữa các phe phái chính trị ở các quốc gia Bắc Phi.
Những nỗ lực xây dựng hòa bình không mấy tác dụng và việc không thể đóng vai trò chủ động đã làm bộc lộ những bất đồng ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) và NATO, để lại quyền chủ động cho các thế lực bên ngoài EU, như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các nước Ả Rập.
Tờ Al Araby nhận định, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Libya, các thế lực nước ngoài, bao gồm cả EU và NATO đã đóng vai trò gây rối hơn là giúp đỡ, đồng thời góp phần rất lớn vào tình hình hỗn loạn chung ở Libya.
Chiến dịch ném bom của NATO do Pháp và Anh dẫn đầu vào năm 2011 nhằm lật đổ nhà chính quyền Muammar Gaddafi đã đẩy quốc gia Châu Phi giàu có một thời vào hỗn loạn và tuyệt vọng.
Giờ đây, các cường quốc nước ngoài theo đuổi lợi ích riêng và nỗ lực triệt tiêu lợi ích của đối thủ cạnh tranh bằng cách đứng về một trong hai phe phái lớn trong nước, cung cấp cho họ sự hỗ trợ về chính trị, tài chính, kỹ thuật, và trong một số trường hợp là cả vũ khí, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
Châu Âu bất lực
Việc châu Âu không có bất kỳ sáng kiến chung nào ở Libya là điều đáng lo ngại, vì vị trí địa lý của quốc gia Bắc Phi có ý nghĩa rất lớn đối với châu Âu.
Bất chấp những lợi ích lớn, EU dường như hoàn toàn bất lực và chịu nhiều thua thiệt trong cách tiếp cận với Libya, tương tự như trường hợp của Syria, khiến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Nga nắm thế chủ động.
Đặc biệt, sự hiện diện ngày càng tăng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Tuy nhiên, việc các cường quốc châu Âu không có khả năng hành động rõ ràng là điều đáng ngạc nhiên, vì cuộc chiến đang diễn ra gây nguy hiểm lớn cho sự ổn định và an ninh của châu Âu, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến các động lực chính trị nội bộ trong EU, trong đó Pháp, Malta và Italy đặc biệt chịu ảnh hưởng sự bất ổn ở Libya.
Với gần 2.000 km đường bờ biển và không gian rộng lớn không được kiểm soát, một Libya hỗn loạn sẽ có nguy cơ trở thành thánh địa của nạn buôn người và sự gia tăng của các nhóm khủng bố.
Một số người hy vọng rằng EU sẽ khai thác cơ hội do đại dịch Covid-19 mang lại để chủ động để đẩy lùi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Libya. Cũng có nhiều đề xuất rằng EU lần này nên sử dụng một số phương tiện quyền lực cứng và triển khai quân đội trên bộ thay vì chỉ tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo.
NATO chia rẽ
Lợi ích xung đột giữa hai thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã tạo ra một cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn và có thể tác động nghiêm trọng đến sự ổn định của phương Tây.
Mặt khác, các cuộc cạnh tranh trong EU và NATO đã tạo cơ hội cho các quốc gia bên ngoài EU như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các nước Ả Rập khai thác triệt để tình hình.
Theo Tiến sĩ Mustafa Aydin, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp hiện đang nỗ lực đẩy EU (và NATO) xếp sau tiếng nói của mình, nhưng điều này có thể sẽ thất bại vì chính sách Libya của Paris bị nhiều quốc gia châu Âu coi là không thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế.
Riccardo Fabiani, Giám đốc Dự án Bắc Phi tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế chỉ ra sự khó khăn của NATO trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, vì Mỹ đang từ chối đóng vai trò lãnh đạo truyền thống.
Ông cũng cho rằng tình hình này phản ánh rõ ràng NATO đã trở thành “một cái vỏ rỗng”. NATO cho đến nay vẫn tránh dính líu đến các tranh cãi giữa hai thành viên và điều này sẽ tiếp tục trong trường hợp giữa Ankara-Paris.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Libya có vẻ quá hấp dẫn và nước này không có lý do gì để từ bỏ.
Barah Mikaïl, giám đốc sáng lập của Stractegia, trung tâm chuyên về Địa chính trị Trung Đông và Bắc Phi, giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ biết chính xác họ có thể nhận được gì khi đóng vai trò trong cuộc chiến.
Cụ thể là triển vọng năng lượng ở Địa Trung Hải, đóng góp vào quá trình tái thiết Libya, cung cấp vũ khí cho Libya và các nước khác trong khu vực, đồng thời gây dựng ảnh hưởng từ vai trò hậu thuẫn cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) để chứng tỏ tài sản chiến lược và năng lực lớn hơn nhiều nước châu Âu.
Với những lợi ích to lớn nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thể nào từ chối chỉ để giữ sự bình yên trong nội bộ EU và NATO. Nói cách khác, theo chuyên gia Mikaïl, Thổ Nhĩ Kỳ tự tin tuyên bố có thể hưởng lợi từ chiến lược hiện tại và không ai có thể tiến hành cuộc chiến chống lại các chính sách của nước này ở Libya. Vậy chẳng có lý do gì khiến Ankara phải lùi bước.
Tương tự như vậy, Giáo sư Hüseyin Işiksal từ khoa Quan hệ Quốc tế tại đại học Cận Đông tuyên bố rằng trong trật tự hậu Covid-19, NATO có một vai trò rất hạn chế trong việc giải quyết căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp, ở Syria và xung đột ở Libya.
Suy cho cùng, NATO được coi là nguồn gốc của các vấn đề hiện tại của Libya và sự tham gia ở quốc gia Bắc Phi chỉ đơn giản là làm tăng thêm các vấn đề và sự thiếu uy tín của liên minh quân sự phương Tây.