Các chỉ huy Mỹ lo lắng rằng nếu họ phải đối mặt với một cuộc xung đột với Nga, đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới có thể gặp khó khăn trong một vấn đề tưởng chừng như không liên quan đến quân sự: Ách tắc giao thông.
Những chiếc Humvee có thể sẽ phải chôn chân gầm ghè một cách vô vọng trên các tuyến đường nhỏ hẹp ở châu Âu. Các cỗ xe tăng Mỹ có thể đè bẹp những cây cầu gỉ sét quá yếu để nâng trọng tải của chúng trên vai. Trong khi lực lượng bộ binh gặp khó với vấn đề hộ chiếu và các công ty đường sắt quan liêu.
Mặc dù nhiều rào cản nói trên sẽ được các nước châu Âu phần nào khắc phục nếu có một tuyên bố chiến tranh được đưa ra, tuy nhiên việc một chiến dịch quân sự quy mô lớn được triển khai trong thời bình sẽ gặp những khó khăn lớn.
NATO chỉ có một lực lượng vũ trang được triển khai cho các nước thành viên có chung biên giới với Nga. Trong khi lực lượng hỗ trợ sẽ cần phải di chuyển hàng trăm cây số.
Sự chậm trễ cộng với một loạt các yếu tố khách quan cản bước khác về cơ sở hạ tầng và quy hoạch có thể cho phép Nga nhanh chóng kiểm soát hết lãnh thổ NATO ở vùng Baltic trong lúc các nhà chiến lược Mỹ vẫn còn đang loay hoay với các thủ tục để đưa quân vượt Đức sang Ba Lan.
Trong các bài tập quân sự thực tế, phương Tây đã thể hiện một sức mạnh đáng gờm, báo hiệu cho sự sẵn sàng nếu một cuộc chiến tranh giữa châu Âu và Nga nổ ra, nhưng những trở ngại về hậu cần đã góp phần điểm yếu lớn nhất của NATO.
Đây là hiện trạng thực tế mà chính bản thân Mỹ đang gặp phải ngay trong các bài tập huấn luyện ở châu Âu gần đây. Trong đó có ví dụ vào năm ngoái, khi Mỹ phải mất đến cả tháng để đưa các xe bọc thép Stryker trở về Đức sau các hoạt động ở Gruzia.
"Chúng tôi phải có khả năng di chuyển nhanh hơn Nga để có thể đưa ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả", Ben Hodges, cựu tướng lĩnh quân sự cấp cao của Mỹ nói.
Theo Hodges, Mỹ và NATO, “cần tăng cường khả năng di chuyển hơn nữa nếu không muốn rơi vào một tính toán sai lầm khủng khiếp".
Trong nhiều năm qua, phương Tây đã thúc đẩy sự hiện diện quân sự tiến về phía Đông, sát nách Nga, với lý do mà liên minh NATO biện minh rằng để chống lại một cuộc chiến tiềm năng với Nga, bảo vệ các đồng minh.
Sau cuộc sáp nhập bán đảo Crimea của Nga vào năm 2014, các nhà hoạch định phương Tây đã quay trở lại thái độ thù địch mang tính chất “chiến tranh lạnh” đối với Moscow.
Tuy nhiên, với việc Nga đã trở lại và nâng cấp sức mạnh quân sự ở mức độ đáng kể, áp lực của phương Tây đang không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi khả năng di chuyển nhanh trên khắp châu Âu của NATO lại gặp những khó khăn.
“Giao thông là một vấn đề rất thiết thực”, Douglas Lute, cựu tướng ba sao của quân đội Mỹ và là đại sứ tại NATO nhận định.
Trong tình huống thực tế, rõ ràng NATO sẽ tỏ ra yếu thế khi các nhà hoạch định quân sự ở Moscow có một sự am hiểu tốt hơn về kết cấu hạ tầng giao thông, cầu đường và những điểm yếu của các vùng lãnh thổ NATO mới - bởi các vùng này từng thuộc về Liên Xô.
Trong khi Nga không bị giới hạn quá trình dịch chuyển quân sự bên trong lãnh thổ của riêng mình, thì một loạt quy tắc về hoạt động quân sự trong thời bình ở châu Âu lại hết sức phức tạp.
Ví dụ, Đức chỉ cho phép các xe quân sự, xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác di chuyển trên đường cao tốc vào ban đêm và các ngày trong tuần. Thụy Điển - quốc gia không phải là thành viên của NATO nhưng có sự hợp tác chặt chẽ với liên minh – cũng yêu cầu phải thông báo ba tuần trước khi đưa quân nhân và thiết bị vào nước này.
Các tuyến đường sắt ở vùng Baltic dùng tiêu chuẩn kỹ thuật khác với phương Tây, điều khiến cho tàu hỏa khi qua đây phải dỡ bỏ bớt khí tài quân sự, sau đó mới chất lại hàng hóa gần biên giới Ba Lan với Lithuania. Chỉ một tình huống như vậy cũng khiến cho việc triển khai quân sự có độ trễ khá lớn.
"Nếu bạn phải mất đến 45 ngày mới chuyển quân xong thì đã quá muộn để chiến đấu", Thiếu tướng Steven Shapiro, người phụ trách công tác vận chuyển quân sự Mỹ ở châu Âu cho hay.
Shapiro lưu ý rằng gần đây ông đã phải nộp 17 mẫu đơn để thông qua thủ tục chuyển quân từ cảng Bremerhaven của Đức đến Ba Lan. “Có những ngày chúng ta phải di chuyển để theo kịp tốc độ một cuộc chiến tranh, nhưng điều đó đã bị những tiêu chuẩn hiện tại ngăn lại”, Shapiro thừa nhận.
Năm ngoái, mặc dù đoàn xe bọc thép Stryker của Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ từ tháng 8 ở Gruzia nhưng có một số thiết bị thậm chí phải mất đến bốn tháng sau mới về đến Đức.
Các sĩ quan biên phòng Hungary nhất quyết không chấp nhận cách mà Rumani cho phép đoàn xe bọc thép Stryker được xích vào xe lửa để di chuyển qua nước này. Do đó, đoàn xe này lại phải tách ra.
Thậm chí, người có nhiệm vụ thông qua đoàn xe chở khí tài còn đi nghỉ cuối tuần từ hôm thứ Năm khiến cho đoàn xe bọc thép Stryker bị kẹt trong mạng lưới đường sắt bận rộn của Đức mất vài ngày sau đó.
"Họ không quan tâm dù bạn là lực lượng Mỹ ở châu Âu", Trung tá Adam Lackey, người đứng đầu trung đoàn xe bọc thép cho hay.
Đoàn Stryker trở lại Đức mà thậm chí không có xe chuyên dụng và những trận mưa và tuyết rơi khắc nghiệt cũng khiến cho công tác bảo trì gặp khó. Nếu một cuộc xung đột nổ ra, các binh sĩ chỉ có thể chiến đấu tay không khi các khí tài của họ không sẵn sàng.
Các nhà lãnh đạo NATO mới chỉ bắt đầu giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến hạ tầng giao thông để từng bước khắc phục điểm yếu trên. Họ đã làm việc với Liên minh châu Âu trong năm qua để thúc đẩy kinh phí cho cơ sở hạ tầng và giảm rào cản hành chính quan liêu.
Tại hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng tới, các quan chức NATO dự kiến sẽ phê chuẩn hai quyết định mới có thể giúp giảm thời gian triển khai quân sự bên trong lãnh thổ các quốc gia đồng minh.