Với việc Phần Lan đã là thành viên thứ 31 và Thụy Điển đang trên đà trở thành thành viên thứ 32, sự mở rộng về phía Bắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) báo trước một trong những thay đổi nổi bật nhất trong bối cảnh an ninh châu Âu kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Việc Thụy Điển hoàn tất gia nhập NATO là một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này”, ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vilnius (Litva) vào tối muộn ngày 10/7 sau khi thông báo rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cuối cùng đã đồng ý “bật đèn xanh” cho quốc gia Bắc Âu tham gia liên minh quân sự này.
Mặc dù không thể đưa ra lịch trình cụ thể về việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, nhưng ông Stoltenberg khẳng định “đây là một cam kết rõ ràng”. Trước đó, phải mất 2 tuần để Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 năm ngoái cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO “không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Nga”, nhưng ông đã cảnh báo 2 nước về việc trở thành căn cứ cho các lực lượng hoặc thiết bị của NATO.
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển đã tuyên bố rằng họ không muốn lưu trữ tài sản của NATO trên lãnh thổ của mình, Phần Lan cũng vậy. Nước láng giềng Na Uy, một thành viên NATO, cho phép các đồng minh tiếp cận để tập trận nhưng không cho phép đặt quân đồn trú vĩnh viễn hoặc vũ khí hạt nhân.
Một khi Thụy Điển được chính thức kết nạp, NATO sẽ giành được quyền kiểm soát lớn hơn đối với Biển Baltic, biến khu vực này thành “Biển NATO”. Vùng biển này là một nhánh của Đại Tây Dương được bao bọc bởi Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan, Nga, Thụy Điển và Đồng bằng Bắc và Trung Âu.
Đưa Thụy Điển vào cuộc cũng sẽ đơn giản hóa kế hoạch phòng thủ cho liên minh. NATO sẽ được hưởng lợi không chỉ từ máy bay chiến đấu, sức mạnh hải quân và các tài sản quân sự khác của Thụy Điển mà còn có thể dễ dàng và nhanh chóng đưa quân tiếp viện hoặc thiết bị qua lãnh thổ Bắc Âu tới các quốc gia vùng Baltic trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Khu vực này từ lâu đã được coi là điểm yếu của liên minh quân sự phương Tây vì quân đội và thiết bị đến bằng đường bộ sẽ phải đi qua một hành lang hẹp giữa Ba Lan và Litva, nằm giữa vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga và đồng minh Belarus của Moscow.
Các nhà hoạch định quốc phòng ở Baltic từ lâu đã lo ngại rằng Nga có thể chiếm các đảo của Phần Lan và Thụy Điển ở Biển Baltic, đặc biệt là đảo Gotland, và sử dụng chúng làm căn cứ để phóng tên lửa tấn công lãnh thổ của họ.
Một số nhà phân tích quân sự phương Tây đã nói rằng NATO gần như chắc chắn sẽ cần quyền đặt căn cứ ở Phần Lan và Thụy Điển để bảo vệ các quốc gia vùng Baltic. Các nhà lãnh đạo Baltic ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập của các quốc gia Bắc Âu và tiếp tục gây áp lực cho các thành viên liên minh khác để thúc đẩy triển khai quân sự của NATO tại các quốc gia của họ.
Sau khi Stockholm chính thức gia nhập, NATO cũng có thể chiếm “thế thượng phong” ở khu vực Bắc Cực. Theo đó, liên minh có thể tăng cường khả năng răn đe của mình ở khu vực mà Nga đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thương mại và quân sự.
Tương tự như ở Baltic, việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ biến tất cả các quốc gia Bắc Cực, ngoại trừ Nga, thành thành viên NATO, cho phép NATO theo đuổi một chiến lược chặt chẽ hơn trong khu vực.
Minh Đức (Theo CFR, Bloomberg)