Tại cuộc gặp, các quan chức quốc phòng đã tái khẳng định ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất và hỗ trợ của liên minh dành cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Austin và Tổng Thư ký Stoltenberg đã thảo luận về cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO dự kiến diễn ra ngày 14-15/2 tới và tiến triển đạt được đối với các quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022 nhằm thúc đẩy khả năng thích ứng quân sự của NATO để giải quyết tốt hơn các thách thức.
Hai quan chức cũng thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở thủ đô Vilnius của Litva, nơi các nguyên thủ và những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên NATO sẽ thực hiện các bước bổ sung để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO. Hội nghị dự kiến diễn ra trong các ngày 11-12/7 tới.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Hai nước láng giềng Bắc Âu có chung đường biên giới với Nga đã từ bỏ vai trò trung lập truyền thống và tìm kiếm tư cách thành viên NATO do lo ngại về vấn đề an ninh sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới bắt buộc phải được sự đồng ý của tất cả 30 thành viên NATO. Cho tới thời điểm này, trong NATO chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa đồng ý để hai nước trên gia nhập khối. AP dẫn nguồn tin từ Chính phủ Hungary cho biết, nước này sẽ bỏ phiếu thông qua đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong kỳ họp quốc hội vào tháng 2. Như vậy, trở ngại còn lại chỉ phụ thuộc vào Ankara.
Ankara lâu nay không hài lòng với những động thái của hai nước Bắc Âu trong việc trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng khủng bố bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã. Vì vậy, Helsinki và Stockholm “cần làm nhiều hơn nữa” trước khi đơn xin gia nhập NATO được Ankara chấp thuận.
Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Cavusoglu đã để ngỏ khả năng chấp nhận để Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển. Tuy nhiên, Helsinki đã bày tỏ tình đoàn kết với Stockholm bằng mong muốn cùng được NATO kết nạp vào tháng 7 tới, khi hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra tại Vilnius (Litva).
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Quân đội nhân dân)