Các nhà lãnh đạo NATO tại Madrid hôm 29/6 đã thông qua Khái niệm Chiến lược (Strategic Concept) 2022, một kế hoạch chi tiết cho liên minh trong thập kỷ tới.
Bản kế hoạch bao gồm các ưu tiên và mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong 10 năm tới, đồng thời đặt ra quan điểm chung về những thách thức đang nổi lên đối với liên minh này, bao gồm Nga, và lần đầu tiên nhắc đến Trung Quốc.
NATO đã xem xét và cập nhật Khái niệm Chiến lược của mình khoảng 10 năm một lần kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với bản Khái niệm Chiến lược gần nhất được thông qua là tại Hội nghị thượng Đỉnh ở Lisbon (Bồ Đào Nha) năm 2010.
Liên minh này cũng có ý định đối trọng với Trung Quốc, mở rộng quan hệ đối tác ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời củng cố khả năng quốc phòng của chính mình. Việc mở rộng khối được coi là một "thành công lịch sử".
Trong văn bản dài 16 trang của NATO, Nga được nhắc tên 14 lần, còn Trung Quốc, 10 lần.
Coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp”
Trong Khái niệm Chiến lược năm 2022, NATO coi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất" đối với an ninh của khối. Theo đó, Moscow đã bị loại khỏi danh sách các đối tác NATO.
Liên minh quân sự phương Tây không còn muốn coi Nga là đối tác, nhưng sẵn sàng duy trì kênh liên lạc mở. NATO cũng tuyên bố họ không tìm cách đối đầu với Nga và không gây ra mối đe dọa nào đối với Moscow.
NATO cho rằng mối quan hệ giữa NATO và Nga có thể thay đổi, nhưng nó phụ thuộc vào Moscow.
Đối trọng với Trung Quốc
NATO cho rằng việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác sẽ ảnh hưởng đến các giá trị và lợi ích của liên minh.
Theo liên minh này, Trung Quốc đang tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện tại bằng cách kiểm soát hậu cần và kinh tế toàn cầu.
NATO cũng có kế hoạch hợp tác sâu rộng với các đối tác của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Củng cố liên minh
Trong Khái niệm Chiến lược mới, NATO khẳng định, việc mở rộng liên minh đã trở thành một thành công lịch sử đối với họ, đồng thời đảm bảo "an ninh cho hàng triệu công dân châu Âu".
NATO dự định "tăng cường đáng kể" lực lượng của mình để răn đe và phòng thủ. Các quốc gia thành viên nhất trí mở rộng ngân sách quân sự trên 2% GDP.
Liên minh này cũng coi các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt là của Mỹ, là sự đảm bảo cao nhất cho an ninh của mình. Chiến lược răn đe hạt nhân của NATO cũng phụ thuộc vào việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong tương lai và sự đóng góp của các đồng minh có cùng quan tâm.
NATO có kế hoạch phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả ứng dụng quân sự của trí tuệ nhân tạo, và coi việc tấn công từ bên ngoài vào các thành viên của mình là khả năng có thể xảy ra.
Mối quan hệ với Ukraine
Khái niệm Chiến lược mới của NATO nêu rõ liên minh này sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác với Ukraine và Gruzia, những nước đang tìm cách gia nhập liên minh.
Các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua một chương trình hỗ trợ tăng cường cho Ukraine, cung cấp nhiều viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev khi cần thiết.
Phản ứng của Trung Quốc
Phản ứng với việc phương Tây thúc đẩy hình thành liên minh quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đại diện của Trung Quốc đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) rằng sự mở rộng của NATO đã "gieo mầm xung đột", theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency.
Đại sứ Trương Quân (Zhang Jun) phát biểu trong một cuộc họp của UNSC về Ukraine hôm 28/6: "5 cuộc mở rộng về phía đông của NATO sau Chiến tranh Lạnh không những không làm cho châu Âu trở nên an toàn hơn mà còn gieo mầm xung đột".
Ông tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối một số thế lực đang kêu gọi NATO can dự vào Châu Á-Thái Bình Dương, hoặc thiết lập một NATO phiên bản Châu Á-Thái Bình Dương dựa trên sự hỗ trợ của các liên minh quân sự".
"Kịch bản Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời từ lâu không bao giờ được tái diễn ở Châu Á-Thái Bình Dương. Những kiểu bất ổn và xung đột ảnh hưởng đến các khu vực trên thế giới không được phép xảy ra ở Châu Á-Thái Bình Dương", nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, TASS, NATO website)