Nếu quân đội của một quốc gia NATO bị Nga tấn công ở Ukraine, điều này sẽ không phải là căn cứ để kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO, các chuyên gia tư vấn cho Quốc hội Đức (Bundestag) cho biết trong một tài liệu mà hãng thông tấn DPA đưa tin hôm 29/3.
Tài liệu vẫn chưa được công bố nhưng DPA được tiếp cận là một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Bundestag, đánh giá những hậu quả có thể xảy ra nếu Pháp hiện thực hóa kế hoạch của nước này về việc đưa quân tới tham chiến ở Ukraine.
“Nếu quân đội của một quốc gia thành viên NATO tham gia phòng vệ tập thể trong cuộc xung đột hiện đang diễn ra giữa Nga và Ukraine và đứng về phía Ukraine, dựa trên Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, và bị bên kia (Nga) tấn công trong quá trình diễn ra trận chiến ở khu vực xung đột, thì đây không phải là lý do biện minh để viện dẫn Điều 5 của Hiến chương NATO”, báo cáo cho biết.
Theo các nhà phân tích, phản ứng tập thể của liên minh do Mỹ dẫn dắt sẽ được kích hoạt nếu Nga tấn công một quốc gia NATO hoặc tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ NATO. Ngược lại, phản ứng quân sự của Nga nhằm vào các mục tiêu ở Pháp sẽ là “một cuộc tấn công vũ trang” theo Điều 5 của Hiến chương NATO, tạo ra tình huống là các thành viên NATO phải hỗ trợ lẫn nhau”, báo cáo viết.
Các chuyên gia của Bundestag tin rằng việc Quân đội Pháp tham gia cuộc xung đột và đứng về phía Ukraine sẽ “được chấp nhận theo luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, theo quan điểm của họ, động thái của một quốc gia NATO gửi bộ binh tới Ukraine sẽ không tự động biến toàn bộ liên minh thành một bên trong cuộc xung đột, chỉ có quốc gia đó trở thành một bên tham gia xung đột.
“Nếu một thành viên NATO hành động đơn phương, nghĩa là không phải là một phần của hoạt động đã được NATO thống nhất trước đó và không có sự phối hợp của bộ chỉ huy quân sự NATO, thì cả liên minh nói chung và các quốc gia NATO khác đều không trở thành một bên trong cuộc xung đột”, tài liệu nhấn mạnh.
Sau một hội nghị về Ukraine ở Paris hồi cuối tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không ít lần tuyên bố không loại trừ khả năng bộ binh phương Tây sẽ được triển khai đến Ukraine. Ông Macron cũng cho rằng các nước phương Tây quyết tâm làm mọi cách để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần bác bỏ khả năng triển khai Quân Đức tới Ukraine. Trong bài phát biểu hôm 29/3 trước thềm lễ Phục sinh, ông Scholz tái khẳng định Đức sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến vì một thế giới công bằng trong bao lâu cũng được miễn là còn cần thiết. “Chúng tôi cũng làm điều này vì lợi ích của chúng tôi, vì an ninh của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Cơ quan Nghiên cứu Bundestag là một bộ phận của Bundestag bao gồm 8 phòng ban chuyên môn với khoảng 100 nhân viên, theo trang thông tin của Bundestag.
Các chuyên gia của cơ quan này nghiên cứu các chủ đề theo yêu cầu của từng nghị sĩ cũng như của các Ủy ban Bundestag. Họ đưa ra thông tin ngắn gọn, tài liệu, báo cáo thực tế, phân tích chi tiết và ý kiến chuyên gia.
Trong trang thông tin của Bundestag, họ còn được gọi là “cơ quan cố vấn của quốc hội”, làm việc một cách “trung lập và khách quan về mặt chính trị”.
Minh Đức (Theo TASS, Yahoo!News)