Chiều 2/10, phía LĐBĐ TP.HCM (HFF), mà cụ thể là chủ tịch Trần Anh Tú cho biết vừa nhận được công văn từ phía Navibank Sài Gòn, tuyên bố muốn rút khỏi bóng đá, bàn giao lại đội bóng cho thành phố. Đấy là thông tin đã được đồn đoán từ rất lâu trước đó. Nhưng ngay lúc nó chính thức xuất hiện, vẫn khiến không ít chính thành viên và những người quan tâm đến đội bóng này cảm thấy hụt hẫng.
Hình ảnh này với Navibank Sài Gòn chỉ còn là hoài niệm
Hàng loạt ngôi sao "mắc kẹt"
Theo chủ tịch HFF Trần Anh Tú, công văn do chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn ký ngày 28/9, nhưng mãi đến chiều 2/10, công văn này mới được chuyển đến tay ông Trần Anh Tú và HFF. Nội dung công văn này nói rằng phía Navibank Sài Gòn xin phép chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp khác hoặc địa phương khác. Trong trường hợp không tìm được nơi chuyển giao, Navibank Sài Gòn xin được phép giải thể đội bóng vì không còn khả năng đầu tư.
Những người chịu ảnh hưởng trực tiếp xung quanh việc Navibank Sài Gòn tuyên bố bỏ bóng đá dĩ nhiên là các cầu thủ. Ngoại trừ thủ thành Phan Văn Santos đã nhanh chân chạy đến với B.Bình Dương sau thông tin Navibank Sài Gòn có thể giải thể từ trước đó, thì hàng loạt ngôi sao khác của đội bóng thành phố như Tài Em, Quang Hải, thủ môn Thế Anh, Việt Cường đều đang mắc kẹt tại Navibank Sài Gòn.
Việt Cường mới ký hợp đồng có thời hạn hợp đồng 3 năm với Navibank Sài Gòn từ đầu mùa giải 2012, với mức lót tay được công bố là khoảng 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến giờ, theo chúng tôi tìm hiểu, Việt Cường vẫn chưa nhận đủ số tiền lót tay trên. Và trong trường hợp Navibank Sài Gòn bỏ bóng đá ngay từ lúc này, có thể Việt Cường chỉ nhận được 1/3 khoản tiền lót tay mà đôi bên đã thỏa thuận, bởi cựu cầu thủ của CS.Đồng Tháp mới hoàn thành 1/3 thời hạn hợp đồng.
Cũng giống như thủ môn Phan Văn Santos, từ khi nghe thông tin Navibank Sài Gòn nợ lương, thưởng của cầu thủ và có thể giải tán, Việt Cường đã đánh tiếng muốn đầu quân cho một số CLB khác. Thậm chí, nhiều người cho rằng cầu thủ này xin rút khỏi ĐT Việt Nam trong đợt đá giao hữu ở nước ngoài vừa qua cũng là để tính chuyện tương lai cho chính mình. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có CLB nào nhận anh. Mới nhất, B.Bình Dương cũng từ chối ký hợp đồng với Đoàn Việt Cường.
Những trường hợp khác đã nhận đủ tiền lót tay như Tài Em (về Navibank Sài Gòn đầu mùa giải 2011, 7 tỷ đồng), Quang Hải (đầu mùa 2011, 9 tỷ đồng), Được Em (đầu mùa 2011, 7 tỷ đồng) thì theo như nguyện vọng của phía Navibank Sài Gòn, sau khi doanh nghiệp rút khỏi bóng đá, những cầu thủ vừa nêu sẽ hoàn lại 1 phần tiền lót tay cho CLB, do Tài Em, Quang Hải và Được Em vẫn còn 1 năm hợp đồng với đội bóng thành phố.
Các ngôi sao Navibank Sài Gòn phải tự tìm bến đậu mới cho mình
Đi chưa được, ở không xong
Hụt hẫng với tuyên bố muốn rút khỏi bóng đá của lãnh đạo Navibank Sài Gòn, cựu tuyển thủ quốc gia Tài Em cho biết: "Sự hụt hẫng của chúng tôi nằm ở chỗ khi cần người thì lãnh đạo đội bóng tha thiết mời về. Đến lúc gặp khó khăn thì họ lại chủ động tắt điện thoại, quay lưng với các cầu thủ. Bây giờ, chúng tôi chỉ còn biết ngồi chờ các bên giải quyết chuyện CLB giải thể hay chuyển giao". Cũng theo Tài Em thì thời gian qua anh đã về quê Long An, hàng tuần vẫn xỏ giày đi đá phủi nhằm duy trì thể lực. Thông tin Navibank Sài Gòn có thể giải thể tuy phần nào có thể đoán từ trước đó, nhưng vẫn khiến cho anh thấy hụt hẫng.
Trước đó, tiền đạo Quảng Hải dù đang bận tập trung cùng ĐT Việt Nam tại Nha Trang, nhưng vẫn khá quan tâm đến tình hình của CLB. Quang Hải cho biết: "Thời gian vừa rồi, tôi nghe anh em nói rằng không liên lạc được với chủ tịch CLB Nguyễn Vĩnh Thọ. Bản thân tôi cũng chưa gọi cho ông ấy. Nguyện vọng của tôi là muốn được quay lại khoác áo đội bóng quê hương K.Khánh Hòa. Có lẽ, tôi sẽ chờ để được gặp các bên để giải quyết vấn đề của tôi".
Không chỉ có Tài Em hay Quang Hải cảm thấy sốt ruột với lời tuyên bố bỏ đội bóng của lãnh đạo CLB Navibank Sài Gòn, nhiều cầu thủ khác, trong đó có thủ môn Thế Anh cũng chẳng thể ngồi yên. Thế Anh cho biết: "Đội bóng chuyển giao đi đâu, sang nhượng cho ai thì vẫn phải tuân thủ hợp đồng lao động với các cầu thủ, giải quyết rốt ráo chế độ cho anh em khi chuyển giao hoặc sang nhượng. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tròn nghĩa vụ đã cam kết".
Trong khi đó, BHL của CLB Navibank Sài Gòn, mà cụ thể là HLV Phạm Công Lộc cho biết ông sẽ sớm trở lại TP.HCM từ quê nhà Đồng Tháp để làm việc với lãnh đạo đội bóng về chuyện chế độ. Dù rất buồn, nhưng HLV Phạm Công Lộc vẫn nhiều lần động viên các cầu thủ: "Chuyện đội bóng tồn tại hay không tồn tại, chuyển giao hay không chuyển giao không nằm ở thẩm quyền quyết định của tôi, điều đó phụ thuộc vào lãnh đạo CLB. Phần tôi, tôi luôn nói với anh em rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, có đi đâu về đâu thì anh em hãy tuân thủ các quy tắc, làm đúng nhiệm vụ của mình. Khi đó, nơi khác mới nhìn vào cách hành xử của mình rồi dang tay đón mình".
Chuyện Navibank Sài Gòn tuyên bố muốn bỏ bóng đá là chuyện gần như đã được tiên đoán từ cách nay nhiều tháng, sau khi đội bóng này có hàng loạt động thái chậm lương, chậm chế độ cho các cầu thủ. Mặc dù vậy, ngay sau bức tâm thư mà chủ tịch Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ gửi đến HFF nói chuyện muốn bỏ bóng đá, vẫn thấy vị đắng nơi những ai yêu bóng đá TP.HCM.
Ở đây, không thể trách những nhà chuyên môn kỳ cựu khi họ đưa ra những lời cảnh báo không hay của thứ bóng đá chuyên nghiệp nửa vời của bóng đá Việt Nam, cũng không thể trách bản thân CLB Navibank Sài Gòn, bởi người ta không thể chơi sang khi không còn tiền. Chỉ tội cho các cầu thủ, họ là những người kẹt giữa câu chuyện, muốn đi cũng chưa được mà muốn ở cũng không xong.
Thế cùng Santos là cầu thủ đầu tiên chính thức rời bỏ Navibank Sài Gòn để về khoác áo Becamex Bình Dương. Nhưng để ra đi, ngôi sao này đã phải năn nỉ lãnh đạo Bình Dương mới được ký hợp đồng một năm. Tại đội bóng đất Thủ, Santos được khẳng định chỉ nhận mức lương rất thấp và phí lót tay thì không đáng kể. Tình cảnh của Santos, dự báo cũng sẽ là tình cảnh chung của các cầu thủ Navibank Sài Gòn trong những ngày tiếp theo đây, bởi họ đã không còn cái thế khi bước vào bàn đàm phán cùng các CLB khác. |
Viễn Kiều