Ông là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và sở hữu câu nói đi vào lịch sử: "Đây là bước đi nhỏ của một con người nhưng là một bước tiến vĩ đại của loài người". Cho dù Neil đã dừng bước cuộc đời mình ở tuổi 82, nhưng cái tên của ông sẽ mãi mãi được nhắc lại bởi dấu chân đầu tiên in trên mặt trăng.
Được phép lái máy bay trước khi có bằng lái xe
Giám đốc Viện Vũ trụ Smithsonian Roger Launius nhận xét: "Hàng trăm năm sau, khi con người nhìn lại, có hai sự kiện lịch sử sẽ được nhớ mãi trong thế kỷ 20 là vụ hạ cánh xuống mặt trăng và quả bom nguyên tử đầu tiên". Nhận được thông tin về cái chết của phi hành gia này, Tổng thống Barack Obama cho biết Armstrong đánh dấu thành tựu của nhân loại mà người ta không bao giờ quên: "Ngày nay, tinh thần khám phá của Neil vẫn sống mãi trong những con người cống hiến cuộc đời của họ cho công cuộc tìm kiếm những bí ẩn nhân loại chưa biết đến. Di sản này luôn được chiếu sáng từ một người đã dạy cho chúng ta sức mạnh to lớn tiềm tàng trong những bước chân bé nhỏ. Vì vậy, di sản này sẽ tồn tại mãi mãi".
Thông báo phát đi từ gia đình Armstrong cho biết, ông ra đi do biến chứng của một cuộc phẫu thuật tim. Trong bản thông báo có câu: "Lần tới, khi bạn bước ra khỏi nhà trong một buổi tối đẹp trời và nhìn thấy mặt trăng mỉm cười với bạn, hãy nghĩ đến Neil và tặng ông ấy một cái nháy mắt".
Sinh ngày 5/8/1930 tại một trang trại gần Wapakoneta, phía Tây bang Ohio (Mỹ), Neil Armstrong lần đầu được đi máy bay lúc 6 tuổi cùng với cha của mình. Cha Neil làm việc cho chính phủ và gia đình ông liên tục di chuyển mỗi khi người cha nhận nhiệm vụ mới. Sau những chuyến bay đó, trong cậu bé Neil cháy bỏng niềm đam mê chinh phục không trung. Neil tự động mày mò và tạo ra những mẫu máy bay của riêng mình. Hồi nhỏ, trong thời gian làm việc tại một tiệm thuốc, Armstrong đồng thời học lái máy bay. Và đến khi 16 tuổi, Neil đã được cấp phép bay trước cả khi có bằng lái ô tô.
Sau đó, chàng thanh niên mang ước mơ vào đại học Purdue học về kỹ sư hàng không nhờ học bổng hải quân. Năm 1949, hải quân Hoa Kỳ gọi ông nhập ngũ. Ông đã có 78 phi vụ bay trong chiến tranh Triều Tiên. Trong cuộc chiến, ông từng bị bắn hạ một lần và được nhận 3 huân chương vì sự nghiệp quân ngũ. Máy bay của ông từng nhiều lần bị pháo phòng không đối phương bắn cho tơi tả. Thế nhưng, Armstrong vẫn đủ bình tĩnh để giữ thăng bằng và bay trở lại căn cứ trước khi được mọi người cứu ra.
Chiến tranh kết thúc, Neil Armstrong trở về Mỹ, học hết đại học Purdue rồi lấy tiếp bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành tại đại học Nam California. Sau đó, ông trở thành phi công bay thử cho ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia, tiền thân của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA). Phi hành gia này bay được hơn 200 loại máy bay khác nhau, từ dù lượn cho tới phản lực. Dù cho quãng thời gian làm việc tại NASA không dài, nhưng dấu ấn của Neil là mãi mãi đối với Apollo 11.
Phi hành đoàn của Apollo 11 được chọn thực hiện sứ mệnh không phải vì họ có phẩm chất đặc biệt trong số các phi công bay thử ưu tú thuộc đoàn phi hành gia Mỹ. Đơn giản, họ được chọn chỉ vì đó là lượt của họ trên bảng phân công. Nếu một kế hoạch trước đó thành công, phi hành đoàn của Apollo 10 sẽ lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào tháng 5/1969, song những chậm trễ về kỹ thuật nên chuyến đi này thành một cuộc tổng duyệt cho Apollo 11.
Trong sứ mệnh Apollo 11 vào 2 tháng sau, Armstrong và các đồng đội đã mất bốn ngày để du hành đến mặt trăng trong một chuyến bay đi vào lịch sử. Cả thế giới đã theo dõi nhất cử nhất động của con tàu. Khoảng 6 tiếng rưỡi sau đó, Armstrong đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng ở tuổi 38. Cả ba phi hành gia đã được đón tiếp như những người hùng khi trở về và từ đó không ai quay lại vũ trụ.
Neil Armstrong (thứ 2 từ phải sang) cùng với phi hành đoàn Apollo 11 chụp ảnh với Tổng thống Obama nhân dịp kỷ niệm 40 năm chuyến tàu lịch sử
Không muốn sự nổi tiếng
Khi quay trở về trái đất trong danh vọng, Armstrong có được vị trí tương tự một siêu sao điện ảnh ở bất kỳ nơi đâu ông đến. Song, sau đợt giao lưu đầu tiên, Armstrong đã từ chối kiếm tiền từ sự nổi tiếng có một không hai của mình. Người đàn ông được ca ngợi như người hùng của nước Mỹ đã lẩn tránh ánh đèn flash và món lợi tiềm tàng kèm theo đó. Thay vào đó, ông sống một cuộc sống ẩn dật tại trang trại ở Ohio.
Neil Armstrong đã mua đất tại Lebanon để nuôi bò và trồng ngô trong trang trại của mình. Tuy nhiên, tình yêu với vũ trụ của Neil không dừng lại tại đó, ông vẫn tham gia giảng dạy tại Đại học Cincinnati, ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ. Ông còn là chủ tịch của Charlottesville, một công ty máy tính chuyên cung cấp hệ thống quản lý thông tin cho các hãng máy bay.
Ông thường xuyên từ chối trả lời phỏng vấn hoặc ký tặng ảnh và làm thất vọng nhiều người hâm mộ với yêu cầu được có một cuộc sống riêng tư. Ông từng một lần giải thích: "Tôi không muốn được tưởng niệm khi còn sống". Chỉ một lần ông miễn cưỡng lên sóng là khi tham dự lễ kỷ niệm vụ hạ cánh xuống mặt trăng cùng những phi hành gia trong chuyến hành trình lịch sử.
Năm 1999, tức 30 năm sau, ông cùng với Aldrin và Collins đã nhận huân chương Langley vì những đóng góp cho ngành hàng không Hoa Kỳ. "Ông ấy không thích các buổi phỏng vấn, nhưng không phải là người khác thường hay khó nói chuyện. Ông ấy đơn giản là không muốn trở thành người nổi tiếng", Ron Huston, một đồng nghiệp tại đại học Cincinnati cho biết.
10 năm sau, tại lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay lên mặt trăng, Armstrong một lần nữa nhanh chóng biến mất sau khi phát biểu ngắn gọn rằng, cuộc cạnh tranh hòa bình trong việc khám phá vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp cho cả hai phía đạt được những thành công lớn về mặt khoa học, nghiên cứu và khám phá. "Tôi đã và sẽ mãi mãi là một kỹ sư đi khép kín, đi tất trắng và mang đồ bảo hộ. Tôi hết sức tự hào với những thành công mình đạt được trong công việc", cựu phi hành gia phát biểu trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước báo giới năm 2000.
Neil Armstrong bên người vợ cũ và 2 con
Năm 2003, trong một lần xuất hiện tại Dayton để kỷ niệm 100 năm chuyến bay trên máy bay có động cơ đầu tiên, trước sự có mặt của khoảng 10.000 người, Armstrong chỉ phát biểu trong vài giây ngắn ngủi, thậm chí còn không đề cập đến lần lên mặt trăng lịch sử. Tuy vậy, Neil vẫn lên tiếng khi cần thiết. Ông gây sự chú ý vào năm 2010 khi bày tỏ sự quan tâm đối với chính sách vũ trụ của Tổng thống Obama. Ông cho rằng chính sách này không ủng hộ sự trở lại mặt trăng và trông cậy vào các công ty tư nhân về việc phát triển các tàu vũ trụ. Trong buổi tường trình trước Quốc hội, Armstrong cho biết ông có cơ sở để e ngại về chính sách này. Ông cùng với khoảng 20 cựu phi hành gia ký tên vào lá thư cho rằng chính sách của Obama đẩy NASA khỏi các chiến dịch tiến vào vũ trụ và đặt tổ chức này trước một tương lai không rõ ràng.
Trong một lần hiếm hoi kể về chuyến du hành của mình, ông nhớ lại thời điểm rơi vào tình trạng không trọng lượng bên ngoài quỹ đạo trái đất khi tàu vũ trụ phóng với tốc độ nhanh gấp 10 lần một viên đạn được bắn ra, tương đương với khoảng 6-8km mỗi giờ. Các khán giả đã bỏ ra hàng trăm USD để được nghe ông nói. Nhà du hành vũ trụ lừng danh này cho biết những hình ảnh mới trên Google là dấu hiệu rõ nhất chống lại những nghi ngờ về chuyến du hành mặt trăng của ông là sản phẩm công nghệ.
Tháng 11/2011, Armstrong được trao huân chương vàng quốc hội, phần thưởng cao quý nhất của nước Mỹ dành cho công dân.
Tái hôn ở tuổi 69 Trước khi trở thànhngười hùng vũ trụ, Armstrong đã quen và cưới Janet Elizabeth Shearon, một sinh viên kinh tế đến từ Illinois (Mỹ). Họ có hai con trai, Eric, Mark và một người con gái tên Karen đã qua đời vì chứng u não. Họ ly hôn vào năm 1994 và 5 năm sau, Armstrong cưới Carol Knight, một quả phụ nhỏ hơn ông 15 tuổi. Lúc đó, ông đã 69 tuổi. |
Thanh Xuân