Ném “bom bẩn” để đòi nợ có thể bị phạt đến 20 năm tù

Ném “bom bẩn” để đòi nợ có thể bị phạt đến 20 năm tù

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 6, 31/08/2018 13:30

Những đối tượng có hành vi ném “bom bẩn” vào nhà người khác vì động cơ, mục đích cá nhân có thể bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ném chất bẩn (phân, luyn, dầu nhớt, trứng thối...) vào nhà người khác xảy ra rất nhiều. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện, xử lý nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt mà ngược lại, có xu hướng gia tăng.

Hồ sơ điều tra - Ném “bom bẩn” để đòi nợ có thể bị phạt đến 20 năm tù

Ảnh minh họa

Mới đây, ngày 27/8, Công an quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội vừa phối hợp cùng Công an phường Nhân Chính tiến hành điều tra, bắt giữ hai đối tượng là Nguyễn Công Nghĩa (SN 1995, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) và Sùng Thị Sinh (SN 1999, trú tại xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chuyên ném chất bẩn vào nhà con nợ để đòi tiền.

Liên quan đến sự việc này, Ths. Ls Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Nếu chỉ ném chất bẩn vào nhà mà không kèm theo những hành vi khác thì cũng đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng với gia đình nạn nhân như: Gây ô nhiễm, mất thời gian cọ rửa, vệ sinh, thậm chí phải bỏ cả tài sản bị nhiễm bẩn hoặc mất tiền cho chi phí khắc phục, sửa chữa...

Theo luật sư Cường, thường thì hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác là xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc đòi nợ thuê... Vì thế, ngoài hành vi ném chất bẩn vào nhà, các đối tượng còn có thêm những hành vi đe dọa, uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc nhằm đánh, đuổi người đang sống trong ngôi nhà đó ra khỏi nơi cư trú của họ.... Bởi vậy, trong từng vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp.

Hồ sơ điều tra - Ném “bom bẩn” để đòi nợ có thể bị phạt đến 20 năm tù (Hình 2).

Ths. Ls Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Cụ thể, nếu hành vi ném chất thải vào nhà người khác đi kèm là những hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp người khác để lấy tài sản thì hành vi này có thể bị xử lý về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù.

Nếu hành vi ném chất bẩn, chất thải hoặc các vật, phế thải khác vào nhà người khác mà làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản, thiệt hại trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này có thể bị xử lý về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất cũng có thể lên tới 20 năm tù.

Nếu hành vi ném chất bẩn, chất thải vào nhà người khác kèm theo những hành vi khác thể hiện mục đích muốn đánh, đuổi người khác ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ thì hành vi này có thể bị xử lý về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, ngoài các hành vi nêu trên, nếu hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc, hoang mang trong quần chúng nhân dân thì có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nếu hành vi kèm theo những lời lẽ đe dọa giết người khiến nạn nhân hoang mang, hoảng loạn thì có thể bị xử lý về tội Đe dọa giết người... Tùy thuộc vào chuỗi hành vi, mục đích và hậu quả cụ thể. Pháp luật cũng quy định rõ, mọi hành vi xâm phạm tới các quyền cơ bản của công dân đều có chế tài để xử lý.

Nếu hành vi ném chất thải vào nhà người khác mà không xác định được động cơ mục đích hoặc hậu quả chưa tới mức nghiêm trọng thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt có thể tới 2 triệu đồng.

“Như vậy, có thể nói rằng pháp luật hiện nay có đầy đủ chế tài, công cụ pháp lý và lực lượng để xử lý mạnh tay với nạn ném "bom bẩn", chất thải vào nhà người khác. Việc xử lý thế nào, xử lý đến đâu, có giải quyết triệt để được không là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, mọi công dân khi bị ném chất bẩn, chất thải vào nhà cần báo ngay với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Khi phát hiện ra các đối tượng thực hiện hành vi ném chất thải và nhà người khác thì cần tìm ra kẻ chủ mưu, xác định rõ động cơ, mục đích và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp.

Hiện nay, tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi phát triển rầm rộ gây hoang mang trong nhân dân, nhiều trường hợp dính bẫy tín dụng đen đã tan nát gia đình, khuynh gia, bại sản, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội. Kéo theo đó là tình trạng đòi nợ thuê, xã hội đen, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn, xâm phạm chỗ ở của công dân... gây nhức nhối trong dư luận.

Bởi vậy, luật sư Cường kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần làm quyết liệt hơn nữa để có thể xem xét, xử lý các đối tượng này về các tội danh như: tội cho vay nặng lãi, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm chỗ ở người khác... Tùy thuộc vào từng hành vi, từng vụ việc cụ thể để xã hội bình an, ổn định và phát triển.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.