Thổ Nhĩ Kỳ cố tình chọc phá?
Các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu ở miền Bắc Syria, dựa trên nền tảng thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Trong suy tính của Ankara, hoạt động này sẽ đảm bảo đường cao tốc M4 - nối Aleppo đến Latakia - sẽ chưa thể nằm trong kiểm soát hoàn toàn của quân đội Syria, khủng bố IS và người Kurd.
Cam kết chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một phần thưởng cho Tổng thống Erdogan, đổi lại việc ông từ bỏ đường cao tốc M5, vốn nằm trong danh sách mục tiêu ban đầu, cùng với các phần lãnh thổ gần đây mà liên quân Nga-Syria chiếm được ở Idlib.
Theo Arab Weekly, đây được coi là chiến thuật lùi một bước, tiến ba bước của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khi ban đầu chỉ chấp nhận một phần nhỏ những gì hướng tới ở Idlib, kiên trì chờ đợi tình thế thay đổi trước khi đòi hỏi thêm hoặc tự mình giành lấy một cách đơn phương.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 10 ngày gần đây, đã có hai lần tuần tra chung phải hủy bỏ sớm hơn dự tính do phiến quân Syria có hành động cản trở, khiêu khích, thể hiện sự không hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn.
Phiến quân kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ có các động thái đảo ngược tình hình, bắt đầu bằng một vùng cấm bay trên Idlib để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Nga.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ sự liên quan đến hành động của những phiến quân nói trên. Tuy nhiên, người Nga lại không nghĩ đơn giản như vậy, họ nghi ngờ rằng đằng sau sự cản trở đó không ai khác ngoài chính là Thổ Nhĩ Kỳ.
“Hành động ngăn chặn ở đường cao tốc Aleppo-Latakia của phiến quân dường như có sự hậu thuẫn chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ”, Hilal Khashan, chuyên gia tại Đại học American tại Beirut cho biết. “Liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với thực tế và nó sẽ đi đến một cái kết tệ hại như một lẽ tất nhiên”.
Liên minh này đang phải đối mặt với sự hỗn loạn về bất đồng chiến lược ở cả Idlib và Libya.
Về cơ bản, Tổng thống Erdogan không thực sự hào hứng với những gì người đồng cấp Putin mang đến cho ông vào ngày 5/3, vì cho rằng Moscow từ chối một khu vực cấm bay, không đề cập đến đường cao tốc M5 và từ chối tăng tỷ lệ trạm kiểm soát ở Syria từ 25 lên 50. Ngoài ra, Nga còn coi các thành phố Khan Sheikhoun, Maaret al-Numan và Saraqib - các vùng lân cận Idlib – vừa chiếm được là lãnh thổ vĩnh viễn của quân đội Syria.
Nga dùng lại “chiêu cũ”
Theo Arab Weekly, việc Tổng thống Erdogan có yêu cầu phiến quân Syria dừng lại hành động cản trở các cuộc tuần tra hay không cũng không thực sự quan trọng.
Điều quan trọng là thông điệp mà Ankara đã gửi đến rất rõ ràng cho Moscow. Tổng thống Erdogan muốn nói rằng, ngay cả khi ông chấp nhận nhượng bộ ở Idlib, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng sẽ không đồng ý.
Đáp trả tương tự, người Nga cũng gửi đến một thông điệp dành riêng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tiên, các cuộc đàm phán giữa Damascus và người Kurd ở Syria đã bất ngờ được khởi xướng, dưới sự bảo trợ của Nga, với lý do sự bùng phát của Covid-19 cần có sự hợp tác ở Qamishli và Hasakah.
Theo giới phân tích, trò chơi “hăm dọa” hai chiều của người Nga lại tiếp tục. Đầu tiên là đối với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua quân bài người Kurd ở Syria.
Ở hướng ngược lại, nếu người Kurd tỏ ra ngoan cố, Moscow lại sử dụng quân bài Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực. Nếu không chấp nhận, Nga sẽ để mặc cho xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria, đe dọa các mục tiêu người Kurd bằng vũ lực.
“Có những hoài nghi về việc thỏa thuận ngày 5/3 sẽ kéo dài”, Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết. “Cả hai không định kéo dài lệnh ngừng bắn vô tận hoặc thậm chí là trong thời gian dài”.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan sẽ cần phải suy nghĩ kỹ càng trước khi muốn trở lại chiến trường, khi biết rằng các nhóm phiến quân Syria không thể đấu lại với sự vượt trội của “cỗ máy chiến tranh” Nga.
Kể từ đầu năm nay, liên quân Nga-Syria đã tràn ngập các thành phố quan trọng ở Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải chịu tổn thất nhiều hơn nếu lệnh ngừng bắn không đạt được vào ngày 5/3.
“Lập trường của Chính phủ Syria rất mạnh mẽ và rõ ràng”, Landis nói thêm. “Tổng thống Assad quyết tâm lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị quân nổi dậy và lực lượng nước ngoài chiếm đóng. Luật pháp quốc tế đứng về phía ông".