Mất đời con gái vì "kết hôn ảo"
Sự lên ngôi của Internet đã khiến nhiều bạn trẻ "sống ảo" ở thế giới thực. Từ kết bạn trên mạng, tham gia các diễn đàn đến "làm vợ làm chồng" online, dường như nhiều bạn trẻ hiện nay đang tách rời xã hội thực, để sống trong những bàn phím "khô khan". Thế nhưng, trào lưu này không dừng lại ở mạng Internet, nó ra ngoài đời sống và trở thành một thú chơi mới "mang tầm vóc quốc tế".
Website kết nối trên mạng có thể bị "yêu râu xanh" lợi dụng
Các website hẹn hò có xuất phát từ các nước phương Tây dành cho nhiều người chưa tìm được "nửa còn lại" của mình. Các trang web này có tính nghiêm túc, người tham gia phải khai báo đầy đủ thông tin như: Tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Và khi tham gia, người dùng phải đăng ký mật khẩu khác nhau và tạo những cuộc hẹn có tính tin cậy. Thế nhưng, khi về Việt Nam, nhiều website có thiết kế gần giống như trên nhưng các thông tin lại được đăng ký hời hợt và với những cuộc gặp mặt chớp nhoáng, nhiều người cho rằng, đó chỉ là một trò chơi mang tính giải trí.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, tham gia các diễn đàn trên mạng cho vui, việc có "kết hôn online" cũng là chuyện bình thường. Bởi đó chỉ là trò chơi thỏa mãn tính hiếu kỳ và tò mò của tuổi trẻ. Nhưng câu chuyện của cô gái mang tên Linh Trang đã để lại nhiều suy nghĩ cho chúng ta.
Vừa mới tốt nghiệp và chưa xin được việc làm nên Linh Trang thường xuyên lên mạng để "giết" thời gian. Qua lời giới thiệu của bạn bè, Linh Trang vào các trang web có tính năng hẹn hò để trò chuyện. Và trong một lần kích hoạt vào trang web có tính năng kết nối tình cảm, Trang "trở thành vợ" online của một chàng trai ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Sau vài lần chát chít, hai người trao đổi số điện thoại cho nhau. "Chồng online" của Linh Trang ngày nào cũng điện thoại rủ Trang đi ăn uống và xem phim. Đang buồn vì chưa xin được việc làm như ý nên Trang vui vẻ nhận lời mà không mảy may suy nghĩ gì. Một lần, Linh Trang được người bạn trai đưa vào bar để dự sinh nhật của bạn. Trong tiếng nhạc chát chúa và vòng tay xiết chặt của bạn trai, Trang bị "chuốc" rượu liên tục. Lúc cô gần như mất kiểm soát với hành động của mình, cô mới ý thức được là mình đang bị nguy hiểm nhưng "chồng online của cô" không đưa cô về ngay mà lại đưa cho cô một viên thuốc và bảo là "thuốc giải rượu"…
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Linh Trang đau đớn nhận ra là đêm qua cô đã quá dễ dãi, uống rượu đến say và đã bị "chồng online" lấy mất "cái ngàn vàng"... Viên thuốc mà anh ta bảo uống để giã rượu chính là thuốc kích dục dành cho nữ... Cô không biết sẽ sống những ngày tiếp theo ra sao khi đã phụ lòng tin của gia đình chỉ vì muốn "kết hôn online"...
PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Chảnh với... gái có chồng
Còn chuyện của Việt Nga cũng bi hài không kém. Mẹ của cô dạy Văn ở một trường cấp III tại Hà Nội. Ở trường, bà chơi thân với một đồng nghiệp và người này cũng có một cậu con trai tên Nam rất thông minh. Hai người dặn nhau là sẽ cho hai con gặp nhau để xem có làm "thông gia" với nhau được không. Năm ngoái, khi đi du học về, Việt Nga được hai mẹ tạo cuộc gặp mặt với Nam. Nhưng sau đó, Nam chối đây đẩy, nói với mẹ: "Sao mẹ lại giới thiệu con gái đã có chồng?". Bà mẹ sửng sốt hỏi ra thì mới biết là Việt Nga đã từng tham gia trò chơi "kết hôn online" trên mạng. Và sau khi có giấy chứng nhận kết hôn online ấy, cô đã đưa lên Facebook để khoe với bạn bè. Không may là giữa Nam và Việt Nga có nhiều bạn chung nên trò đùa online kia đã đến tai Nam và Việt Nga đã bị "nghi vấn" sau lần hẹn hò đầu tiên…
Việt Nga cho biết, sau "sự cố" về lần hẹn hò ấy, cô đã có bài học thấm thía về các mối quan hệ trên mạng. Dù chỉ là một trò chơi nhưng nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cách nhìn nhận của mọi người về cô. Mẹ cô sau khi biết chuyện "tày trời" của con đã giận cô cả tuần liền vì làm bà "mất mặt" với đồng nghiệp khi tham gia chơi vô bổ của cô con gái đang tuổi lớn.
Internet một mặt là cầu nối tri thức tới tất cả mọi người, mặt khác nó cũng là "cám dỗ" cho những bạn trẻ thiếu bản lĩnh. Nếu cứ chạy theo những trào lưu vô bổ, nhiều bạn trẻ đã phải nếm trái đắng vì quá dễ dãi trong các mối quan hệ xã hội.
Một trò chơi mạo hiểm Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - GĐ Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nói: "Việc kết hôn trên mạng là một trò chơi mạo hiểm. Bởi đã có nhiều trường hợp từ mạng ảo bước ra đời thực làm nhiều bạn trẻ thấy sốc vì những đối tượng ấy không như hình dung. Mặt khác, việc kết hôn này cũng tiềm ẩn nguy cơ xấu do có sự gắn bó với người lạ, cho dù đó chỉ là "online". Các bạn trẻ cần tỉnh táo trước những trào lưu này để có lối sống lành mạnh và trong sáng...". |
Lạc Thành