Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, Ban Bí thư có chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Trong đó, nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp Tết trái quy định.
Nên công bố tên quan chức nhận quà
Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng truyền thống văn hóa tốt đẹp “tặng quà ngày tết” đang bị biến thành vấn nạn tiêu cực.
Ông nói: “Cứ đến ngày lễ tết, xung quanh các cơ quan có nhiều xe cộ nườm nượp xếp hàng chờ gặp người có chức có quyền. Có người đi để cầu chức cầu quyền, có người không cần cầu gì nhưng vẫn phải đi “quà tết sếp” vì muốn yên ổn làm việc”.
“Cùng một cơ quan, đồng chí với nhau mà cứ quỵ lụy, ngày lễ, tết phải chạy tất tả chạy đi biếu xén... còn gì là cuộc sống nữa. Do vậy, tạm thời cấm tặng quà là đúng”.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều ý kiến băn khoăn, rất khó kiểm tra, giám sát người thực hiện quy định trên. Ví dụ, thế nào là quà biếu đúng, thế nào là sai? Làm sao kiểm soát bên trong túi quà là gì, mục đích gì? Ai đi kiểm tra?
Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trước băn khoăn này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là chỉ thị của Đảng, mọi Đảng viên và những người làm công chức Nhà nước phải thực hiện. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện nghiêm túc.
Các cơ quan chức năng của Đảng trong đó có Ủy ban kiểm tra, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính... phải xem đảng viên, công chức có thực hiện chỉ thị không, biếu quà vì mục đích gì... Cơ quan chức năng cần “tỏ thái độ” với người không thực hiện quy định của Đảng.
Ông cũng hy vọng, sau Tết này các cơ quan chức năng sẽ làm sơ kết xem tình hình thực hiện như thế nào. Sau đó thông báo rộng rãi kết quả đến nhân dân. Ông Hùng nhấn mạnh “các phương tiện thông tin đại chúng nêu tên những ai không chấp hành”.
Cơ sở của đề xuất này xuất phát từ việc gần đây, báo chí đăng tải kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao. Ví dụ, gần đây có vị là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy bị đề nghị xem xét kỷ luật, báo chí đăng tải rộng rãi, công khai.
“Đây là nét đổi mới, xu hướng dân chủ công khai minh bạch đang được Đảng lãnh đạo và thực hiện”, ông Vũ Quốc Hùng nhận xét.
Giải quyết “vấn đề” của người tặng và nhận quà
Nhà nghiên cứu văn hóa, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, yêu cầu “cấm tặng quà tết” là một chỉ báo cho thấy quà tết “có vấn đề” đến mức trầm trọng.
“Người ta lợi dụng quà tết để thiết lập một quan hệ xã hội đen tối. Trong khi đó, đáng lẽ quà cáp là để thiết lập một mối quan hệ xã hội tốt đẹp”, ông nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cần phải xử lý cái “có vấn đề” trong việc tặng quà tết hơn là cấm hẳn chuyện tặng quà.
Văn hóa tốt đẹp “tặng quà ngày tết” đang bị biến thành vấn nạn tiêu cực.
Bởi chuyện tặng quà cho nhau trong mỗi dịp xuân về là một nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có từ lâu của dân tộc ta. Hằng năm, những người có quan hệ làm ăn thân thiết, giúp đỡ hoặc có tình cảm tốt đẹp với nhau... tặng quà nhau dịp tết đến xuân về.
Ngay trong quan hệ quốc tế cũng vậy, mình đến với họ, họ đến với mình cũng phải có một món đồ làm quà kỷ niệm. Quà là phương tiện để thiết lập quan hệ xã hội, nó không có tội tình gì cả, nên không thể cấm được.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, vấn đề không phải ở quà, mà ở người đưa và người nhận quà. Do vậy, cần phải giải quyết “vấn đề” của con người dùng quà tặng để thực hiện ý đồ xấu, không phải ở quà.
Theo Khám phá