Cảnh cáo là một hình phạt chính trong hệ thống hình phạt theo quy định của BLHS Việt Nam. Về cơ cấu, trong tổng số các điều luật củ a phần các tội phạm của BLHS thì số điều luật quy định về hình phạt cảnh cáo tại phần các tội phạm là 36/276 điều luật (chiếm tỉ lệ hơn 13%).
Hầu như không áp dụng
Theo Điều 29 BLHS, cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Tuy nhiên, gần đây sau khi tập hợp, tổng kết các ý kiến về việc thi hành BLHS từ VKS các địa phương, VKSND Tối cao cho biết trên thực tế, hình phạt cảnh cáo rất ít khi được tòa án các cấp áp dụng để kết án người phạm tội.
Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hà (Chánh án TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết từ trước tới nay tòa này chưa hề áp dụng hình phạt cảnh cáo khi xử án hình sự. Tương tự, nhiều thẩm phán tại TAND huyện Hòa Vang, TAND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), TAND TP Đà Nẵng, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế… cũng cho biết là hầu như không áp dụng mức hình phạt cảnh cáo.
Trên thực tế, hình phạt cảnh cáo rất ít khi được tòa án các cấp áp dụng để kết án người phạm tội. Ảnh: HTD
Bỏ vì mục đích hình phạt không đạt được?
Chính vì ít được áp dụng nên VKSND Tối cao đã đề nghị nên bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt của BLHS. Theo VKSND Tối cao, hình phạt cảnh cáo không có tác dụng răn đe, giáo dục người phạm tội, từ đó mục đích của hình phạt không đạt được.
Thẩm phán Đặng Ngọc Cường (TAND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đồng tình với việc bỏ hình phạt này. Theo ông, thực tế hình phạt này có tính cưỡng chế thấp, chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến tinh thần chứ không tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của bị cáo. Nếu cộng thêm ý thức pháp luật không cao thì mức hình phạt cảnh cáo khó lòng mà đạt được mục đích răn đe, giáo dục người phạm tội, từ đó dẫn tới hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm không cao.
Một kiểm sát viên VKSND TP Đà Nẵng cũng cho rằng bản chất của hình phạt trong án hình sự là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt cảnh cáo lại không thể hiện được điều đó. Khi quy định về hình phạt này, các nhà làm luật mong muốn sau khi người phạm tội chịu sự lên án sẽ nhận ra được đúng sai, thấy được lỗi lầm. Tuy nhiên, mục đích này không phải lúc nào cũng đạt được vì nó còn tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân người phạm tội.
Hay giữ vì chính sách nhân đạo?
Ngược lại, Thẩm phán Đặng Văn Mạnh (Phó Chánh án TAND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng nên giữ lại hình phạt này trong BLHS.
Theo hai ông, hình phạt cảnh cáo thể hiện rõ chính sách nhân đạo trong xử lý tội phạm của pháp luật hình sự nước ta. Trong trường hợp bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt sẽ quá nhẹ nhưng nếu tuyên cải tạo không giam giữ hay phạt tù thì có phần nặng so với những trường hợp phạm tội khác. Lúc đó mức hình phạt cảnh cáo là thích hợp.
Theo Thẩm phán Mạnh và luật sư Thanh, hình phạt này ít nhiều vẫn có tính răn đe ở mức độ thấp đối với người phạm tội vì họ sẽ bị mang án tích trong vòng một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Một số vụ hiếm hoi mà tòa phạt cảnh cáo ● Tháng 10-2012, TAND TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã tuyên phạt cảnh cáo đối với Nguyễn Trân (nguyên phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh), Trần Nam Long (nguyên phó Phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GTVT Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Sử (nguyên trưởng Phòng Quản lý Giao thông, Sở GTVT Hà Tĩnh), Trần Phi Được (nguyên giám đốc Công ty CP Xây dựng và Quản lý Công trình Giao thông Hà Tĩnh) về tội đánh bạc. Đồng thời, tòa phạt bổ sung Trân và Được mỗi bị cáo 10 triệu đồng, phạt Sử và Long mỗi bị cáo 8 triệu đồng.Trước đó, trưa 19-7, Công an TP Hà Tĩnh ập vào phòng làm việc của Được (tại trụ sở Công ty CP Xây dựng và Quản lý Công trình Giao thông Hà Tĩnh), bắt quả tang bốn bị cáo đang đánh bạc với hình thức đánh phỏm. Công an thu giữ tang vật 4 triệu đồng và một bộ bài trên chiếu bạc. Khám xét người, công an thu giữ thêm 5 triệu đồng... ● Tháng 5-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt cảnh cáo Trần Bá Tuấn (nguyên điều tra viên Công an TP Nha Trang) về tội dùng nhục hình. Theo tòa, bị cáo Tuấn phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, đã khắc phục hậu quả bằng việc bồi thường cho bà Lan, được người bị hại xin giảm án… nên tòa quyết định như trên. Trong quá trình điều tra vụ trộm xảy ra ngày 28-11-2010 tại nhà ông Võ Hà Trang, Tuấn và Nguyễn Đình Quyết đã dùng gậy cao su, dùi cui điện đánh đập, chích điện nhiều lần vào nghi can Trần Thị Lan (người giúp việc cho gia đình ông Trang), ép bà này khai nhận hành vi trộm cắp. Do nhiều lần bị dùng nhục hình nên ngày 30-11-2010, bà Lan bị ngất xỉu tại nhà tạm giữ Công an TP Nha Trang... Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa phạt Tuấn, Quyết mỗi bị cáo chín tháng tù treo. Sau đó, Tuấn kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên phúc thẩm thì nhận tội. |
Theo Dương Hằng (Pháp luật TP HCM)