Sau khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, phóng viên báo Người Đưa Tin đã trao đổi, ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
Theo đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Thực ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có ý nghĩa nhất định, đó là làm giảm mức độ biến động về giá của mặt hàng này. Khi giá xăng dầu lên quá cao thì doanh nghiệp xả quỹ ra, còn khi giá thấp thì họ thu tiền vào. Về mặt nguyên tắc, đó cũng là một biện pháp điều tiết, giúp ổn định thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu của chúng ta đã có những vấn đề chưa được như mong muốn”.
Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích về sự bất cập của quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua: “Khi giá xăng dầu xuống thì người dân cứ phải bỏ tiền ra đóng vào. Rõ ràng, trong khi giá trên thế giới giảm thì người mua ở trong nước vẫn cứ phải trả giá cao.
Điều này chưa hẳn là hợp lý. Bởi vì hôm nay, khách hàng này mua xăng bỏ tiền ứng trước vào quỹ nhưng sau đó chưa chắc người này đã được mua lúc giá rẻ hơn. Chính vì thế, nó chưa phù hợp với đối tượng phải đóng quỹ.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp xăng dầu, khi giá xuống thì họ được trích tiền vào quỹ, thế nhưng, lượng tiền mà doanh nghiệp đó trích vào quỹ so với lượng tiền họ phải xả ra khi giá xăng dầu lên chưa chắc đã cân đối.
Tôi lấy ví dụ, lúc giá xuống, nếu doanh nghiệp nào bán được nhiều thì trích được quỹ nhiều, nếu bán được ít thì thu quỹ ít... Do đó, khi giá lên cao thì doanh nghiệp có quỹ ít sẽ rất khó khăn, thậm chí không dám bán nhiều hàng vì sợ phải bù lỗ lớn.
Như vậy là bất cập cả cho người tiêu dùng và cho cả phía doanh nghiệp”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm: “Điều thứ ba, trong nền kinh tế thị trường, mọi thứ nên điều hành theo cơ chế thị trường. Nếu bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì sẽ tránh được chuyện buôn lậu ở khu vực biên giới.
Bởi lẽ, khi giá xăng dầu ở 2 quốc gia có sự chênh lệch thì nhiều người sẽ tìm cách vận chuyển từ bên này sang bên kia bán để kiếm lời. Như vậy, sử dụng công cụ phi thị trường để can thiệp không phải đã là tốt.
Có chăng, chúng ta nên sử dụng công cụ về thuế để điều chỉnh khi giá xăng dầu trên thế giới biến động. Khi đó, công cụ về thuế sẽ khắc phục phần nào những bất cập mà tôi đã nói ở trên”.
Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Nghiên cứu viên cao cấp của bộ Công Thương nhìn nhận: “Tôi cho rằng, việc mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ một số quỹ ngoài ngân sách như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu… là hợp lý.
Bởi vì, tất cả các loại quỹ dùy hình thành từ các nguồn nào đi chăng nữa nhưng với cách điều hành như thời gian vừa qua thì nó cũng chỉ là biến tướng của các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước mà thôi”.
Ông Thắng nói: “Các quỹ như ở trên thì có thể hình hình do thu của người tiêu dùng hoặc thu của các đối tượng khác nhau. Nhưng bản chất là do các cơ quan quản lý quyết định, mà khi các cơ quan quản lý này quyết định thì theo chủ quan của họ, chứ không phải hoàn toàn theo tiếng gọi của thị trường.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, ví dụ như quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất là thu tiền trước của người tiêu dùng, nhưng lại do bộ Công Thương và bộ Tài chính quyết định.
Tuy nhiên, các quyết định đó chỉ chủ yếu bảo vệ các đơn vị kinh doanh xăng dầu chứ chưa thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Về xu thế thì quỹ này nên bỏ càng sớm càng tốt”.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu càng sớm càng tốt. Bởi vì thời gian vừa qua, việc điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập.