Vấn đề này đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo trên các diễn đàn, hội nghị… nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Có hai vấn đề được dư luận quan tâm: Có được quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa? Nếu được thì việc sử dụng hình ảnh đó như thế nào?
Trên thế giới, việc quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa quy định rất khác nhau: có nước cấm, có nước không; có nước chỉ cho vẽ; có nước cấm tiệt, không vẽ cũng chẳng quay.
Ảnh minh họa
Ở ta, trừ một vài trường hợp nhạy cảm, cần bảo vệ bí mật nhà nước hoặc thuần phong mỹ tục, còn lại hầu như các phiên tòa đều được quay phim, chụp ảnh, nhất là những phiên tòa được dư luận quan tâm, bị cáo là người đẹp, người mẫu… Trong khi luật tố tụng cũng như nội quy phiên tòa không quy định trường hợp nào thì được quay phim, chụp ảnh, trường hợp nào không. Nghị định 51/2002 (hướng dẫn thi hành Luật Báo chí) có quy định: Nhà báo được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai.
Thực tế việc quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa lại tùy thuộc vào tòa án và HĐXX, nhiều trường hợp tòa chẳng căn cứ vào tiêu chí nào cả mà thích thì cho, không thì cấm. Tòa cho chụp ảnh hay cấm vì dựa vào lập luận: việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác; nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh; nếu đăng ảnh của họ trên báo chí hoặc đưa hình ảnh lên truyền hình mà không được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật…
Tuy nhiên, thế nào là vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Cũng chính vì chưa có quy định cụ thể nên không có sự phân biệt hình ảnh nào bắt buộc xin phép cá nhân và hình ảnh được phép chụp ảnh, quay phim. Việc quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa mỗi nơi một kiểu, có nơi cho quay phim, chụp ảnh thoải mái nhưng cũng có nơi hạn chế, khắt khe; phóng viên bị làm khó, thậm chí bị lực lượng bảo vệ thu cả máy quay phim, chụp ảnh.
Việc quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa đã vậy nhưng việc phóng viên sử dụng hình ảnh của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cũng có nhiều điều đáng bàn. Nhiều tờ báo không chỉ đăng hình ảnh của bị cáo mà còn đăng hình ảnh của cả người thân của bị cáo, trong đó có cả trẻ em hoặc người chưa đủ 18 tuổi; có trường hợp đăng ảnh một cô gái bán dâm bị nhiễm HIV hoặc hình ảnh một cháu bé bị kẻ xấu xâm hại tình dục. Hiện nay có quá nhiều vụ xâm phạm hình ảnh của cá nhân, lén lút quay phim, chụp ảnh đời sống riêng tư rồi đăng tải lên Internet, không thể kiểm soát nổi; việc tìm ra kẻ phát tán hình ảnh cũng khó xác định.
Như vậy, quyền đối với hình ảnh là quyền của cá nhân chứ không phải là quyền của cơ quan nhà nước hay của phóng viên. Về phía người bị sử dụng hình ảnh, chưa nhận thức rõ quyền đối với hình ảnh của chính bản thân mình, đồng thời chưa dám lên tiếng hoặc kiện ra tòa án để bảo vệ hình ảnh của cá nhân khi bị xâm phạm.
Việc quay phim, chụp ảnh cũng như việc sử dụng hình ảnh tại phiên tòa vừa là văn hóa pháp đình, lại liên quan đến quyền nhân thân của con người. Thiết nghĩ trong nội quy phiên tòa cần có quy định cụ thể, tránh tình trạng mỗi nơi hành xử một kiểu.
Theo Đinh Văn Quế (Pháp luật TP HCM)