Hỏi: Tôi năm nay 18 tuổi, đợt thi đại học vừa rồi tôi không đỗ. Tôi đang đứng trước sự hoang mang tột độ khi không biết nên đi làm luôn hay quyết tâm ôn thi lại. Về phía gia đìnhs, bố mẹ tôi một mực khuyên nên cố gắng ôn thi để có cái bằng đại học. Bố tôi cũng nhấn mạnh: “Có tấm bằng đại học trong tay, con xin việc sẽ dễ dàng hơn. Chỉ có học hành đến nơi đến chốn, tương lai con mới có một cuộc sống tốt sau này”. Dù thế, tôi rất phân vân, bởi nhiều người nói rằng, bằng cấp không quan trọng, cái chính mình có chí tiến thủ và khả năng học hỏi hay không. Vậy vai trò của tấm bằng khi xin việc như nào? Xin hãy cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Chí Tài, Hà Nội).
DIỄN ĐÀN TƯ VẤN:
Chú Văn Hùng (55 tuổi, Hà Nội) đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ, bằng cấp rất quan trọng. Càng trẻ tuổi, càng phải học hành để có tương lai rộng mở. Con người có tri thức đi đâu cũng tự tin, ra đời không sợ bị bạn bè chê cười, thiên hạ bắt nạt. Tôi thấy, ý kiến của bố mẹ bạn rất đúng. Bạn đừng vội vàng đi làm, hãy thể hiện sự quyết tâm của mình cho bố mẹ bạn thấy, bạn có thể làm được. Chúc bạn thành công”.
Anh Trần Vỹ (33 tuổi, Hà Nam) chia sẻ: “Tôi rất thấm thía cảnh không có bằng cấp đi xin việc khổ thế nào. Đừng vì những suy nghĩ nông nổi, bồng bột mà đánh mất cơ hội của mình. Bố mẹ bạn nói đúng đấy. Tôi cũng từng không nghe lời khuyên của bố mẹ mà bỏ vào Nam đi làm công nhân. Giờ đây, cuộc sống khó khăn, vất vả bội phần. Muốn nỗ lực vươn lên cũng khó, vì ở đâu người ta cũng yêu cầu bằng cấp, bét là bằng Trung cấp. Tôi thành thật khuyên bạn, hãy ôn thi thật tốt, đi làm tính sau”.
Chị Minh Minh (35 tuổi, Hà Nội) lại có cách nhìn nhận khác: “Có những cách nghĩ của người tuyển dụng mà có thể bạn không ngờ. Người có bằng cấp mà xin vào vị trí "không xứng" với bằng cấp mình thì có 2 loại: Loại 1, người chịu khó sẵn sàng lao đầu vào công việc, biết cách tận dụng cơ hội và rất cầu tiến, kiểu người này rất có lợi cho doanh nghiệp. Loại 2, bằng cấp chỉ đơn thuần là tờ giấy, còn năng lực thực tế chỉ đủ xin vào công việc bình thường. Cho nên, nếu là người tuyển dụng cẩn trọng, họ đều xem xét/phỏng vấn để xác định chính xác chứ không phải không tuyển hay không nhận đâu bạn ạ”.
Trong khi đó, anh Văn Hoàng (40 tuổi, Nam Định) thì đưa ra lời khuyên rất chi tiết: “Tùy vào tính chất công việc kỹ thuật hay kinh tế. Đối với Sales thì mấy anh kỹ sư, bác sĩ vẫn có thể làm được, không cần bằng cấp. Ngược lại mấy người làm Sales thì không thể làm kỹ sư, bác sĩ được vì nó cần bằng cấp. Sales thì kỹ năng của mỗi người quyết định vì đối với ngành này, kỹ năng và tố chất quyết định, hay nói đúng hơn là sự thành công hiệu quả, đo lường bằng kinh nghiệm. Tôi là một Sale chuyên nghiệp, không cần sử dụng tấm bằng để leo từ 1 nhân viên lên NSM sau 16 năm. Và rất nhiều người thành công như tôi. Thậm chí nhiều người tốt nghiệp THPT vẫn có thể làm AM, RSM,... được vì đơn giản họ có kỹ năng lãnh đạo, truyền nhiệt huyết”.
Yên Du