Theo ông Toàn khu vực này không như nút giao Chùa Bộc hay Daewoo. Nút giao Ô Chợ Dừa có tới 7 ngã rẽ, như vậy phải giải quyết dứt điểm vấn đề ô tô, xe máy và cả người đi bộ trên các tuyến đường Khâm Thiên, đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng…
“Hơn nữa, do đặc thù khác biệt của nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn; các ngã tư thông thường khác Hà Nội thường xử lý bằng cầu vượt nhẹ, thì ở đây cần nghiên cứu cầu vượt lập thể. Phải làm sao các phương tiện tham gia giao thông thuận tiện từ các tuyến Khâm Thiên sang đường Nguyễn Lương Bằng, từ đê La Thành sang đường Tôn Đức Thắng… không bị giao cắt”, thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Trước khi đề xuất phương án, theo thứ trưởng Toàn đơn vị chức năng phải tính toán kỹ lưỡng lưu lượng ô tô, xe máy ra vào ngã 7 này ở các thời điểm khác nhau.
Thứ trưởng Toàn cho biết, ở những nước như Thái Lan, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc… gặp những trường hợp như ngã 7 Ô Chợ Dừa, họ không bao giờ giải quyết riêng, tất cả phải giải quyết đồng bộ, với hệ thống cầu vượt lập thể khác cốt phù hợp ở các mức khác nhau.
“Tại ngã 7 nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn này nếu cầu vượt đi theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng sẽ giải quyết hữu hiệu tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào nội đô. Hơn nữa, nếu làm cầu vượt theo hướng này sẽ không ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc. Đây là nút giao rất quan trọng, do vậy phải giải quyết dứt điểm, nếu không làm lúc này, sau này lại cải tạo lại sẽ rất tốn kém”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhận định.
Theo thứ trưởng Toàn, để đạt được hiệu quả cao, hệ thống giao thông lập thể ở khu vực này cần tổ chức thi tuyển để lựa chọn giải pháp tối ưu về công năng sử dụng, kinh phí đầu tư, hạn chế thấp nhất chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và bảo tồn di sản văn hóa.
Theo Dân trí