Tỉ lệ khả thi thấp
Mới đây, sở GD&ĐT Hải Phòng đã có quyết định dừng việc dạy học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 và không dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến với học sinh khối 3, 4, 5 cấp tiểu học.
Cụ thể, lãnh đạo Sở cho rằng dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1, lớp 2 là không hiệu quả, thực tế dạy học trực tuyến trong mấy ngày qua đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh nên quyết định dừng triển khai. Đối với khối 3, 4 và 5 bậc tiểu học, Sở cũng sẽ hạn chế dạy trực tuyến, giáo viên gửi chương trình học cho phụ huynh để giao cho các con làm. Giáo viên sẽ dạy trực tuyến vào một thời gian phù hợp trong ngày nhưng là để chữa bài tập, sửa bài cho học sinh mà không triển khai bài giảng mới.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, TS. Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục - cho biết: “Một điều có thể thấy ngay là việc học trực tuyến có hiệu quả quá thấp so với yêu cầu và so với học tập trực tiếp. Với mọi cấp học, học trực tuyến thường để mất thời gian ở các khâu công nghệ liên quan, sự tập trung của học sinh và những tác động ngoại cảnh.
Với các học sinh khối lớp 1 và 2, việc học trực tuyến gần như không có hiệu quả. Các con quá nhỏ, sức tập trung kém, cha mẹ đi vắng sẽ khiến các con gần như không thể kết nối với giáo viên.
Vì thế, quyết định của sở GD&ĐT Hải Phòng là hợp lý và cần thiết!
Các địa phương khác cũng nên cân nhắc điều kiện của học sinh, như khả năng nhận thức, tập trung, khả năng sử dụng công nghệ của trẻ... để quyết định các phương án tương tự”.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục (bộ GD&ĐT) - cũng cho rằng: “Một đứa trẻ học lớp 1, lớp 2, khi học online chắc chắn phải có phụ huynh kèm cặp, khả năng tự học của lứ tuổi này tỉ lệ khả thi thường rất thấp. Thứ nhất, không phải gia đình nào cũng có thiết bị số để sẵn cho con. Thứ hai, đứa trẻ chưa đủ khả năng kiểm soát hành vi, chưa đủ chủ động và sự kiên trì để tự học online. Do đó, sở GD&ĐT Hải Phòng, tạm dừng dạy học trực tuyến đối với các lớp này cũng là rất phù hợp!”.
Vị chuyên gia này lý giải thêm: “Khi học sinh được học những chương trình dạy học trực tuyến được xây dựng một cách công phu, làm cho học sinh hấp dẫn, có cảm giác như đang tham gia vào các thử thách hoặc như đang chơi trò chơi, thì sẽ dễ dàng quản lý học sinh hơn. Còn hiện tại, chúng ta chưa đủ điều kiện, phụ huynh khi cho con học như vậy, cả nhà phải quây quần xung quanh, sẽ làm xáo trộn sinh hoạt gia đình khá nhiều”.
Làm giãn khoảng cách học tập giữa các học sinh
Trao đổi về thực trạng và chất lượng học online đối với bậc tiểu học hiện nay tại Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường đại học Giáo dục (đại học Quốc gia Hà Nội) - chỉ ra: “Học online sẽ để nhiều học sinh lại phía sau.
Chẳng hạn, những học sinh không có kỹ năng xử lý thông tin đa nhiệm tốt, không có năng lực tập trung, chú ý tốt; những học sinh đang chịu các chấn thương, như gia đình có thành viên ốm nặng, học sinh đang có sẵn những khó khăn cụ thể như chứng khó đọc, viết và tính toán… sẽ gặp khó. Những học sinh có tổn thương tâm lý, bị rối loạn học tập, có biểu hiện tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm sẽ có nhiều nguy cơ sa sút hơn về mặt học tập, đặc biệt là trong bối cảnh không có sự kết nối của nhà trường, không có sự hiện diện, hỗ trợ trực tiếp của người giáo viên cũng như các hệ thống tư vấn hỗ trợ khác từ nhà trường (hệ thống hỗ trợ tâm lý).
Bên cạnh đó, một số trẻ chậm hơn hoặc gặp khó khăn hơn về xử lý thông tin thính giác cũng dễ bị tụt lại phía sau. Những học sinh gặp vấn đề về thị giác như cận thị hoặc loạn thị cũng khó có thể theo kịp các thông tin hướng dẫn bằng hình ảnh của giáo viên trên màn hình nhỏ. Những đứa trẻ thiếu kỹ năng cũng sẽ gặp khó khăn hơn với việc học trực tuyến. Hàng đầu là kỹ năng số và kỹ năng tự học. Tôi thường nói với các giáo sinh (sinh viên ngành sư phạm) rằng: “Chúng ta sẽ không thể dạy được trẻ cho đến khi đứa trẻ học được”.
Chưa kể, những học sinh thuộc nhóm các gia đình khó khăn, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật máy móc, không được tiếp cận với máy tính và truy cập Internet đầy đủ sẽ không thể theo học hoặc làm đầy đủ các bài tập vì không có thiết bị đảm bảo cho việc học trực tuyến”.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng phân tích thêm: “Để học trực tuyến hiệu quả, trẻ cần phải được hướng dẫn thành thạo những kỹ năng số để phản xạ nhanh, có kỹ năng lập kế hoạch học tập và quản lý thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Đối với học sinh tiểu học, mức độ tập trung chú ý chỉ khoảng 15-20 phút, không thể học liên tục như người lớn được, chưa kể các lỗi kỹ thuật đường truyền…
Học vào 18:30 mỗi chiều thì về mặt sinh lý, tâm lý cũng không phải là thời gian tốt để trẻ tiếp thu kiến thức. Cha mẹ cũng quá bận rộn với việc nấu cơm nên sẽ không thể ngồi cạnh mãi, chỉ có thể chạy ra, chạy vào với con. Con thì học theo kiểu gia đình (nằm học thay vì ngồi), anh em ngồi cùng nói chuyện trong lúc con học..., không thể tập trung được”.
“Duy trì học online tiếp sẽ chỉ làm giãn khoảng cách học tập giữa các học sinh. Bên cạnh đó, học sinh tiểu học chưa có kỹ năng học tập độc lập, thì cũng không thể học được hiệu quả.
Lúc này, các con đang quá nhiều stress, lo lắng vì bị giãn cách, lo mình có thể bị nhiễm…, thì việc tạm dừng học cũng thể hiện sự đồng cảm với các học sinh và gia đình, được cha mẹ học sinh ủng hộ. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Nếu tình hình dịch dai dẳng, phải cân nhắc đến quyền lợi của học sinh tiểu học tại địa phương này có thể bị chậm so với các địa phương khác” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho học sinh tiểu học?
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Ở mỗi địa phương, cũng có thể tạm dừng việc học “face-to-face” (tức là giáo viên giảng trực tuyến trước máy tính) đối với lứa tuổi nhỏ như vậy, mà thay vào đó, có thể hướng dẫn phụ huynh cách học trên máy tính, để phụ huynh hướng dẫn con học ở nhà. Chẳng hạn, gửi những đường link hoặc yêu cầu để trong thời gian rảnh rỗi, phụ huynh có thể đồng hành cùng con tham gia những cơ hội trải nghiệm khác, không phải chỉ học chữ mà còn có rất nhiều thứ khác để học.
Trong bối cảnh như hiện nay, bố mẹ cũng phải tham gia vào câu chuyện giáo dục một cách nghiêm túc, không thể bỏ lửng thời gian của các con vì độ tuổi này là độ tuổi phát triển trí não rất quan trọng.
Phía nhà trường cũng có thể xây dựng những chủ đề, gợi ý những đề tài để hướng dẫn cho phụ huynh. Chẳng hạn, trong thời gian giãn cách xã hội sắp tới, các nhà trường, các phòng, sở GD&ĐT cũng nên xây dựng những chiến lược trong vòng một tháng.
Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, nhà trường có thể hướng dẫn cho phụ huynh học sinh cho con trải nghiệm những gì học như thế nào, hiện tại có rất nhiều nguồn tiếp cận kiến thức khác nhau, phụ huynh hoàn toàn có thể chọn lọc những phương thức quản lý phù hợp. Bởi lẽ, đối với một đứa trẻ, việc áp đặt sẽ không hiệu quả. Phụ huynh phải biết phương pháp tạo động lực cho con và hiểu tâm lý giáo dục học”.
Cẩm Mịch
(Ảnh: NVCC).