Ý nghĩa của tình người
Nói chuyện với chúng tôi, bà chủ nhiệm hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ, Nguyễn Thị Vui cho biết: "Có những hạnh phúc giản đơn như chỉ là gặp được một gương mặt phù hợp với số phận và cuộc sống của mình. Ước mơ của con người là vô cùng nhưng có những lúc chúng ta nên bằng lòng với những gì mà tạo hóa đã ban tặng. Như thế, hạnh phúc sẽ nở hoa".
Tại hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ mà bà Nguyễn Thị Vui, công dân ưu tú Thủ đô 2010 làm chủ nhiệm, người ta thấy cuộc sống sôi động bởi những tiếng đục, tiếng cắt máy, người ra vào tấp nập. Khi đến, qua một số lời hỏi thăm tìm hiểu, chúng tôi được một người nữ giúp việc tại xưởng vui vẻ cho hay: "Bà Vui mát tay lắm các em ạ. Cứ vài năm lại có một cặp trai gái thành vợ thành chồng. Tôi làm ở đây đã hơn mười năm, chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của các đôi trai gái. Cũng vì tình yêu thương, sự thông cảm mà các em, các cháu đã tìm đến với nhau, tạo dựng nên hạnh phúc".
Lời kể của người phụ nữ khiến chúng tôi đặc biệt chú ý. Đến với xưởng khảm trai Ngọ Hạ, xưa nay thường người ta chỉ chú ý vào những điều nổi bật nhất như là những việc tốt mà tập thể cán bộ và công nhân nơi đây đã làm được. Người ta vinh danh công việc, vinh danh lòng tốt, nhưng với riêng chúng tôi, có lẽ điều vinh danh nhất lại là hạnh phúc góp nhặt từ chính những phận đời bất hạnh về thể xác nhưng lại có trái tim nguyên vẹn, không chút tật nguyền.
Quỳnh Anh và Hùng (phía sau) đang làm việc tại xưởng khảm trai.
Khi nghe chúng tôi hỏi đến những cặp "dâu rể" ở xưởng khảm trai của mình, bà Vui nở một nụ cười mãn nguyện chia sẻ: "Các em nó đến đây, tôi cũng chỉ mong sao chúng nó kiếm được một công việc ổn định cuộc sống, giúp thêm gia đình. Và điều quan trọng nhất là thấy mình sống có ích, không bi quan, cam chịu trước thân phận mà tạo hóa đã ấn định cho chúng. Nhưng khi các em về đây sinh hoạt và làm việc, tính cách của một bà già như tôi cũng phải thay đổi. Tôi để ý thấy chúng cảm mến nhau, rất phù hợp nương tựa vào nhau nên nảy ra ý định mai mối".
Thực ra cũng chẳng phải là mai mối, nhưng bà cứ hay trêu đùa rồi gán ghép những đứa trẻ với nhau. Điều đáng mừng là những cặp đôi gặp nhau và xây đắp hạnh phúc ở xưởng này chưa có ai nói lại với bà Vui là hối hận vì đã kết hôn cả. Có những cặp sau khi nên duyên đã về gia đình lập nghiệp. Khi có con, chúng dẫn các bé đến thăm và gọi bà Vui bằng "bà nội, bà ngoại".
Sau câu chuyện của bà Vui, chúng tôi được bà giới thiệu gặp cặp vợ chồng mới cưới là Nguyễn Văn Hùng (SN 1991) và Nguyễn Quỳnh Anh (SN 1993). Họ mới thành vợ thành chồng trước sự mừng vui của hai bên gia đình và đặc biệt là gia đình khảm trai Ngọ Hạ. Cứ mỗi một gia đình nhỏ được hình thành là một lần các học viên thêm tin yêu vào cuộc sống tương lai của chính mình. Họ tin rằng, hạnh phúc không từ chối bất cứ ai. Chỉ cần có niềm tin thì hạnh phúc sẽ đến.
Cổ tích tình yêu
Hùng là con út trong gia đình có ba anh em. Trên Hùng là một chị gái và một người anh sinh đôi chỉ ra đời trước Hùng có vài tích tắc. Theo lời của cậu bé này, khi sinh ra, Hùng cũng như một người bình thường. Tuy nhiên, khi lớn lên, chân cậu cứ teo nhỏ lại. Trong khi đó, hai tay các ngón không còn linh hoạt nữa. "Khi bắt đầu nhận biết được về cuộc sống, em đã luôn mặc cảm bởi thân thể tật nguyền của mình. Em chỉ theo học được đến hết lớp 5 vì gia đình không có điều kiện. Thời gian ở nhà, em luôn sống khép mình và ít giao tiếp với mọi người".
Rồi một lần, khi bà Vui đến xã và chọn tuyển Hùng về xưởng khảm trai này. Tuy giai đoạn đầu bắt nhịp công việc khá khó khăn nhưng cậu đã tìm được niềm vui và tự tin vào cuộc sống. Mỗi tháng Hùng có thể kiếm tiền đủ nuôi sống gia đình nhỏ của mình và thỉnh thoảng gửi tiền về cho bố mẹ.
Nhìn sang cô bé trắng trẻo với khuôn mặt sáng có chút thẹn thùng, Hùng cho biết, cô gái đó là niềm may mắn lớn nhất và cũng là duyên phận ở xưởng khảm trai này của cậu. Ngồi bên cạnh, Quỳnh Anh thẹn thùng. Cũng qua lời Hùng, chúng tôi được biết Quỳnh Anh vào xưởng khảm trai sau Hùng một năm. Quê Quỳnh Anh ở xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Cuộc sống của cô bé khá vất vả vì gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chạy chợ nên không ai quan tâm. Sau một lần ốm sốt không được đưa đi chữa trị kịp thời vào năm 2 tuổi, Quỳnh Anh đã bị "cướp đi" giọng nói. Nếu chỉ nhìn em cười, có lẽ chúng tôi sẽ không nghĩ em là người khuyết tật. Ở đây, mọi người bầu cho Quỳnh Anh là hoa khôi của xưởng. Và cô hoa khôi ấy đã cảm mến chàng trai chăm chỉ hiền lành, đẹp trai nhất xưởng sau một lần "phiên dịch" với bà Vui.
Câu chuyện tỏ tình của Hùng - Anh là câu chuyện được mọi người trong xưởng nhắc lại nhiều nhất và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Hùng kể với chúng tôi: Thông thường ở xưởng, cứ đến cuối tháng chúng em lại mang tiền lên để gửi bà Vui. Bà Vui sẽ giữ hộ tiền rồi gửi về quê giúp.
Hôm đó, em lên đúng lúc có Quỳnh Anh ở đó. Quỳnh Anh nói ngọng nên mọi người phải nghe kỹ lắm mới hiểu được. Lúc đưa tiền cho bà, Quỳnh Anh có khoe là tháng này cháu làm được nhiều hơn anh Hùng. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, bà Vui lại nghe thành: "Cháu yêu anh Hùng rồi". Thế là bà Vui phá lên cười. Bà đem chuyện vui kể cho mọi người trong xưởng. Sau hôm đó, Hùng và Quỳnh Anh cứ gặp nhau lại ngượng ngùng tránh mặt. Trước đây, khi mới vào Quỳnh Anh được bố trí làm ở xưởng dưới nhưng từ sau hôm đó, bà sắp xếp cho Quỳnh Anh làm gia công cùng Hùng và nhờ Hùng kèm cặp.
"Mới đầu cả hai đứa đều ngượng ngùng. Có hôm mỗi đứa ngồi một góc. Nhưng dần dần thấy em ấy chăm chỉ, lại rất dễ thương, ngày nào cũng chỉ cười, hầu như không bao giờ biết buồn biết giận ai. Có lẽ vì không nói được nên Quỳnh Anh biểu hiện mọi cảm xúc bằng nụ cười mà thành ra vui vẻ. Rồi tình cảm đến lúc nào chính em cũng không biết được. Lúc Quỳnh Anh ốm em thấy nhớ", Hùng e thẹn kể lại. Những ngày lễ tết, họ thường làm quà tặng nhau. Lúc thì là chiếc lược, chiếc cốc đựng bút... Đây đều là những vật phẩm của xưởng.
Bây giờ đây, trong xưởng, cặp vợ chồng ầy chăm chỉ làm ăn, tối về được bố trí riêng một phòng ngủ và được tạo điều kiện giúp đỡ trong sinh hoạt và làm việc tại xưởng. Khi hỏi đến chuyện con cái, nét mặt Hùng bất chợt lặng lại: "Em cũng chưa biết! Bây giờ chỉ nghĩ làm ăn, nương tựa vào nhau mà sống cho vui vẻ. Với lại, em cũng sợ sau này con cái lại tật nguyền như mình thì tội cho chúng nó lắm".
Nghe xong câu nói của Hùng, chúng tôi nhìn nhau không biết nói gì. Có lẽ câu trả lời ở chính trong cái im lặng mà không ai dám nói rả. Trên gương mặt sáng của đôi vợ chồng trẻ là niềm vui, niềm hạnh phúc. Họ gặp nhau ở chốn này và cùng nhau vượt qua khó khăn để hướng đến tương lai tốt đẹp. Lúc ra về, tôi cứ ám ảnh mãi cái ánh mắt buồn buồn của Hùng. Cầu mong mọi bất hạnh của đời các em sẽ được bù đắp ở thế hệ sau với những đứa con lành lặn cả về thân thể lẫn tâm hồn.
Dương Thu - Phạm Hạnh