Nên hay không nên bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn?

Nên hay không nên bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 4, 11/04/2018 20:38

Chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Dự án luật sửa đổi nhận được sự quan tâm khi đề nghị bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước.

Bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn

Một trong những điểm được quan tâm trong dự thảo luật Đặc xá (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là về thời điểm đặc xá và điều kiện đặc xá theo hướng thắt chặt điều kiện được đề nghị đặc xá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Luật đặc xá hiện hành quy định ba thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Dự thảo luật khoản 1, Điều 5 giới hạn lại theo hướng bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn.

Nên hay không nên bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga - (Ảnh: Nhất Nam).

Uỷ ban Tư pháp có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, là tán thành với đề nghị của Chính phủ nhằm thu hẹp bớt các trường hợp đặc xá. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo "như thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch và chủ động khi triển khai thực hiện".

Thứ hai cho rằng, thực tế thi hành Luật Đặc xá hơn 10 năm qua cho thấy: Cả 7 đợt đặc xá đều được Chủ tịch nước quyết định nhân ngày lễ lớn của đất nước. Trong đó có 6 đợt nhân ngày 2/9, một đợt còn lại là nhân ngày Tết Kỷ Sửu 2009. Do đó, ban soạn thảo phải giải trình rõ lý do vì sao bỏ thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn.

Cho ý kiến về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Không nên bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước và nên giữ lại 3 thời điểm như trước.

Người nghèo không có tiền khắc phục cần được xem xét

Về điều kiện để được đặc xá, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những người quá nghèo, quá khó khăn không đủ điều kiện thực hiện hình phạt bổ sung thì nên để Chủ tịch nước xem xét đặc xá.

Nên hay không nên bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn? (Hình 2).

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ hai từ trái sang).

Còn ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì lo ngại: “Nếu xử lý không khéo sẽ tạo cú sốc rằng người giàu, người có tiền thực hiện thì được đặc xá còn người nghèo, không có tiền để chấp hành thì ở tù suốt đời”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: Điều kiện đặc xá đã được dự thảo luật sửa theo hướng nặng hơn.

“Nếu như luật hiện hành quy định đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân thì dự thảo lần này sửa thành đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, luật hiện hành quy định đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, thì dự thảo luật sửa thành người bị kết án phạt tù về “bất kỳ tội gì” đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường, án phí…

“Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt.

Dự luật này đang quy định các điều kiện đặc xá cơ bản giống như điều kiện tha tù trước hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự. Uỷ ban Tư pháp cho rằng, nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa”, bà Nga nói.

Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không bảo đảm đúng tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn, đối tượng rộng như thời gian qua. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn.

Nên hay không nên bỏ đặc xá nhân ngày lễ lớn? (Hình 3).

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - (Ảnh: Nhất Nam).

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng bộ Công an cho rằng: Nếu điều kiện “chặt” quá thì không được, nhưng nếu “lỏng” thì có khi việc đặc xá lại tràn lan, mất đi ý nghĩa của chính sách này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề về việc quy định điều kiện “phạm tội lần đầu” sẽ giảm rất nhiều đối tượng được xem xét nhưng có thể không đảm bảo công bằng. Còn hình phạt chính là ngồi tù chưa thực hiện xong đã được xem xét đặc xá thì tại sao phần nghĩa vụ dân sự lại bắt buộc phải thực hiện xong? Do đó, cần đánh giá tác động sâu sắc liên quan đến điều kiện đặc xá.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.