PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM về đề án này.
PV: Thưa ông, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp cùng sở, ban ngành tái nghiên cứu đề án học lệch giờ, làm lệch ca. Nội dung nghiên cứu theo từng đối tượng cụ thể, học sinh, sinh viên, công nhân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ công chức, người lao động tại khu công nghiệp… Mục đích đề án nhằm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Ở góc độ chuyên gia giao thông, theo ông, đề án này có khả thi?
TS. Phạm Sanh: Tôi cho rằng kẹt xe tại TP.HCM và đặc biệt kẹt xe giờ cao điểm đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và cần giải quyết. Chuyện học lệch ca, làm lệch giờ tôi được biết là thành phố đã đề xuất nghiên cứu cách đây 16 năm nhưng chưa được áp dụng vì chưa nghiên cứu kỹ, chưa tính toán chặt chẽ.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện thành công đề án học lệch giờ, làm lệch ca. Họ làm rất tốt và góp phần giải quyết được tình trạng kẹt xe. Tôi cho rằng, chủ trương tái đề xuất nghiên cứu làm lệch ca, học lệch giờ là rất đúng đắn. Tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương này. Thế nhưng để đánh giá đề án có khả thi hay không thì phải dựa vào nhiều yếu tố khác, cùng với sự vào cuộc của nhiều sở, ban ngành và phải được UBND TP.HCM thông qua.
PV: Theo ông, nên thực hiện như thế nào để đề án khả thi?
TS. Phạm Sanh: Nếu đề án đưa vào thực hiện, việc giảm ùn tắc giao thông sẽ được kéo giảm nhưng đó mới chỉ là phần ngọn, cái chính là cơ quan chức năng phải giải quyết được vấn đề quy hoạch giao thông. Với đề án học lệch ca, làm lệch giờ, muốn hiệu quả, theo tôi cần phải nghiên cứu kỹ từng dạng đối tượng để điều chỉnh cho phù hợp, tính toán nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Những người lao động trong xí nghiệp ở TP.HCM hầu hết đều ở khu vực ngoại thành, thường ít xảy ra kẹt xe nên cần phải xem xét lại có nên hay không bố trí chuyện lệch ca cho họ. Nhóm đối tượng học sinh, sinh viên phải nghiên cứu kỹ hơn, cụ thể, phải sắp xếp giờ học hợp lý cho từng cấp học, bậc học khác nhau. Ngoài ra, tôi nghĩ cần bố trí thêm xe buýt chuyên đưa đón học sinh, sinh viên.
Bộ phận làm việc giờ hành chính, là cán bộ, công chức cần phải bố trí hợp lý để họ đón con giờ tan sở đối với những người cần phải đưa đón con. Với những người không phải đưa đón con có thể bố trí cho họ về trước, hoặc sau giờ tan sở. Những đối tượng khác như bệnh viện, bệnh nhân… thì tùy tính chất công việc mà bố trí phù hợp hơn. Có thể bố trí lệch giờ, lệch ca bằng cách cho làm việc ngày 6 - 7 giờ nhưng làm cả ngày thứ 7, chủ nhật, hoặc cũng có thể cho làm ngày 8 giờ nhưng giờ bắt đầu và kết thúc sẽ muộn hơn so với quy định như một số nước trên thế giới áp dụng thành công.
PV: Vì sao đề án đã được nghiên cứu hàng chục năm trước nhưng vẫn thất bại, nay đưa ra tái nghiên cứu?
TS. Phạm Sanh: Đề án nghiên cứu trước đó nhưng thất bại bởi cơ quan chức năng chưa làm quyết liệt và triệt để. Theo tôi biết, trước đó đã nghiên cứu, nhưng chưa được UBND TP.HCM thông qua, chưa khoa học, chưa nghiên cứu kỹ và chưa được sự đồng thuận cao của người dân. Việc đưa ra tái nghiên cứu là hợp lý vì giải quyết được một phần tình trạng kẹt xe.
PV: Theo ông, có nên đưa đề án cũ để rút kinh nghiệm cho đề án tái nghiên cứu về học lệch giờ, làm lệch ca không và cần phải làm mới những vấn đề gì?
TS. Phạm Sanh: Đã có đề án cũ nhưng vì chưa hiệu quả. Chúng ta phải xem lại nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả để đúc rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra những giải pháp mới thiết thực hơn, mang tính xây dựng.
Đề án lần này phải có phương án khả thi, trình UBND TP.HCM thông qua và chắc chắn phải thí điểm cụ thể một vài nhóm đối tượng trước như học sinh, sinh viên, công nhân, để xem xét hiệu quả như thế nào, sau đó mới triển khai phổ biến, phải có hội thảo lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, cơ quan chức năng liên quan. Đã là tái nghiên cứu thì phải có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể và đặc biệt, lãnh đạo ngành giao thông thành phố phải có vai trò quan trọng trong chuyện này. Bên cạnh bố trí học lệch ca, làm lệch giờ, cần phải tạo nhiều phương án kéo giảm ùn tắc giao thông khác để có hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lành Nguyễn - Dương Hạnh