Trước thực trạng này, PV báo Nguoiduatin.vn đã liên hệ được với ông Lê Tượng, cựu trưởng Ban quản lý di tích Đền Hùng, người cho dựng "Cột đá Thề" cũ năm xưa tại đền Thượng để trao đổi một số thông tin xung quanh "Cột đá Thề" cũ. Trong cuộc trao đổi đã hé lộ nhiều tình tiết quan trọng cho thấy việc thay đổi "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới là một việc làm tuỳ tiện.
Dựng "Cột đá Thề" cũ dựa theo tín ngưỡng của người dân
Được biết, ông là người đã chỉ đạo việc dựng "Cột đá Thề" cũ tại đền Thượng, thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ. Vậy xin ông cho biết, thời điểm mà ông dựng "Cột đá Thề" cũ vào thời gian nào?
Thời điểm tôi phát hiện ra "Cột đá thề" cũ vào năm 1960, dựng lên tại đền Thượng vào năm 1966. Khi đó, tôi làm giám đốc Ban quản lý di tích Đền Hùng.
Khi dựng "Cột đá Thề" cũ năm xưa, ông dựa trên cơ sở nào?
Việc dựng "Cột đá Thề" cũ tại đền Thượng nếu nói về cơ sở văn bản là không có. Nhưng những năm 1960 khi tôi về công tác ở Đền Hùng, nhân dân địa phương có đến thắp hương tại Đền Hùng và cho rằng, cột đá đó là "Cột đá Thề". Trước đây, "Cột đá Thề" để trước lăng vua Hùng, nằm kề sát lăng vua Hùng. Nhân dân xã Hy Cương và các vùng xung quanh, khi lên Đền Hùng đều nói với tôi đó là "Cột đá Thề". Trước niềm tin của người dân nên tôi đã có ý tưởng cho dựng “Cột đá Thề”. Bản thân "Cột đá Thề" cổ, có ý nghĩa tâm linh với người dân Phú Thọ. Người dân xã Hy Cương (nơi có di tích lịch sử Đền Hùng) cho rằng, cột đá đó là "Cột đá Thề" của Thục Phán thề với vua Hùng để gìn giữ lăng miếu và giang sơn của vua Hùng để lại.
Theo ông, việc dựng "Cột đá Thề" cũ có ý nghĩa như thế nào?
Trước tín ngưỡng của người dân, xem cột đá nằm sát cạnh lăng vua Hùng là "Cột đá Thề". Hơn nữa, trong ngọc phả vua Hùng có phản ánh về việc Thục Phán thề với vua Hùng trông nom lăng miếu và giang sơn của Hùng Vương để lại. Việc phục dựng "Cột đá Thề" là để ghi nhớ về truyền thuyết đó. Đây là hai cơ sở để tôi quyết định dựng "Cột đá Thề" cũ.
Thay "Cột đá Thề" mới là việc làm xuất phát từ suy nghĩ thiếu hoàn chỉnh"
Hiện nay, "Cột đá Thề" cũ đã được thay thế bằng “Cột đá Thề” mới to, đẹp hơn, ông có biết về việc này không?
Tôi có nghe thông tin Ban quản lý di tích Đền Hùng thay thế "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới vào khoảng năm 2007 đến 2010. Thời điểm đó tôi không còn công tác tại Ban quản lý di tích Đền Hùng nữa. Việc dựng “Cột đá Thề” mới họ không hề xin ý kiến của tôi. Tôi không biết việc làm này vào thời điểm đó.
Có người cho rằng, việc dựng "Cột đá Thề" cũ vào năm 1966 là việc làm tuỳ tiện, dẫn đến sự hiểu nhầm của người dân cả nước khi nghĩ rằng đó là "Cột đá Thề" trong truyền thuyết. Việc thay thế "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới mục đích để nhân dân cả nước khỏi hiểu nhầm đó là "Cột đá Thề", ông suy nghĩ gì về nhận định trên?
Cái đó họ nói thế chứ tôi không hề biết việc ấy. Tôi cho rằng việc dựng “Cột đá Thề” cũ hoàn toàn xuất phát từ tâm linh của người dân vùng đất núi Hùng này. Nó gắn bó với truyền thuyết “Cột đá Thề” đã lưu truyền trong dân gian từ lâu đời. Tôi nghĩ đó không phải là việc làm tùy tiện.
Ông có suy nghĩ gì về lý do thay thế "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới to, đẹp hơn?
Tôi cho rằng, đó là một việc làm xuất phát từ một suy nghĩ không hoàn chỉnh. Tự nhiên dựng một cột đá vu vơ, ở đâu đem về và tự gọi đó là "Cột đá Thề". Theo tôi, "Cột đá Thề" mới không có ý nghĩa gì cả. Ít nhất, "Cột đá Thề" cũ đã được nhân dân thừa nhận và đi vào tâm thức của người dân. Còn "Cột đá Thề" mới được đem ở đâu về và gọi đó là “Cột đá Thề” hoàn toàn chỉ là sản phẩm làm ra của một số người. Tôi cho rằng, cột đá đó không mang ý nghĩa tâm linh và cũng không phù hợp với tâm thức của con cháu vua Hùng.
Trước việc "Cột đá Thề" cũ bị thay mới như vậy, ông có cho rằng có nên khôi phục lại cột đá cũ hay không?
Theo tôi nên khôi phục lại "Cột đá Thề" cũ vào vị trí trước đây. Bởi, bản thân "Cột đá Thề" cũ ấy ít nhiều còn ý nghĩa với người dân. Và người dân bao đời nay đã đặt niềm tin vào "Cột đá Thề" cũ. Điều quan trọng bây giờ, theo tôi, không phải là gốc tích của “Cột đá Thề” cũ, không phải là việc đi tìm hiểu nguyên nhân nó xuất hiện, mà chúng ta nên quan tâm rằng “Cột đá Thề” cũ ấy đã đi vào tâm thức của người dân bao đời nay song song với truyền thuyết lời thề Thục Phán. Như thế đã đủ để bản thân “Cột đá Thề” cũ từ thời tôi làm mang giá trị tâm linh và lịch sử. Trong khi, "Cột đá Thề" mới chẳng có ý nghĩa gì, nó hoàn toàn chỉ là sản phẩm sáng tạo của con người, tuy có đẹp hơn, to hơn, hoành tráng hơn Cột đá Thề cũ nhưng nó chỉ đơn thuần là sản phẩm của sự sáng tạo.
“Thẩm mỹ ư, thế nào là thẩm mỹ?”
Có người cho rằng "Cột đá Thề" cũ không có tính thẩm mỹ, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thay thế bằng cột đá mới to đẹp hơn? Ông nhận xét ý kiến đó như thế nào?
Nhận định này không có cơ sở gì cả. Thẩm mỹ thì thế nào được gọi là thẩm mỹ? Đây là lịch sử chứ không phải là thẩm mỹ. Nói “Cột đá Thề" cũ không có thẩm mỹ không dựa vào một tiêu chí nào cả. Như thế là không tôn trọng lịch sử, là không trân trọng giá trị của thời gian và tâm linh.
Một số người có nhận định, ở Đền Hùng không có "Cột đá Thề" nào cả. Bởi “Cột đá Thề” cũ ở Đền Hùng trông giống với 3 cột đá đã từng được phát hiện ra, liệu thông tin trên có chính xác?
Theo tôi, "Cột đá Thề" cũ có một lỗ đục nhỏ, có thể đó là dấu hiệu của một cột miếu cổ là chắc rồi. Thế thì hồi tôi làm tôi có giải thích. Những đồng chí lãnh đạo cấp cao lên thăm Đền Hùng như đồng chí Lê Duẩn lên đây tôi cũng nói, đồng chí Trường Chinh lên tôi cũng nói, và nhà khoa học tôi cũng khẳng định, "có thể cột đá tôi dựng lên là "Cột đá Thề" như truyền thuyết và sau này con cháu đã dùng "Cột đá Thề" đó làm cột miếu. Hoặc một khả năng nữa, "Cột đá Thề" cũ bị mất nên con cháu tự nhận cột miếu cũ làm "Cột đá Thề". Cả hai khả năng này đều thể hiện "Cột đá Thề" tôi dựng lên ít nhiều nó là một di vật có thời xưa, người dân đã đến đó thừa nhận. Dù đó là "Cột đá Thề" hay cột miếu cũ thì nó là di tích từ thời xưa để lại. Bản thân cột đá đã có ý nghĩa riêng của nó.
Có ý kiến cho rằng, việc dựng "Cột đá Thề" cũ không đúng với lịch sử? ông nhận định như thế nào?
Đó là ý kiến rất chủ quan! Tôi có biết, để thay "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới có tiến hành hội thảo khoa học nhưng chúng tôi không được tham gia. Theo tôi, hòn đá mà người ta cho rằng "Cột đá Thề" mới là do người ta mang lên chứ chẳng có ý nghĩa gì với khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ông nhận xét như thế nào về ý kiến của một số người từng tham gia vào việc thay thế "Cột đá Thề" cũ bằng "Cột đá Thề" mới cho đây là việc làm đúng?
Theo tôi, việc họ đồng tình với nhau thay "Cột đá Thề" cũ bằng cột đá mới nên giờ phải nói thế thôi. Muốn nhận định đúng sự việc này, mình phải đứng ở thế khách quan. Muốn khách quan phải thẩm định qua địa phương, không thể nói thế này, thế khác được. Theo ý kiến cá nhân của tôi, muốn biết giá trị của "Cột đá Thề" cũ phải thẩm định qua nhân dân. Lòng tin của người dân ít ra là một cơ sở.
Trong thời gian ông giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý di tích Đền Hùng, ông có lập hồ sơ di sản đối với "Cột đá Thề" cũ không?
Khi làm công tác ở đây, tất cả các tập giới thiệu về Đền Hùng đều có ghi cột đá đó là "Cột đá Thề". Tôi khẳng định chắc chắn điều đó. Và tôi cũng khẳng định lại rằng, “Cột đá Thề” cũ dù sao vẫn là biểu tượng của lời thề Thục Phán, nó nên được trả lại đúng vị trí tâm linh và lịch sử mà vốn dĩ nó đã mang suốt nhiều năm qua. “Cột đá Thề” mới có to đẹp hơn thì cũng là sản phẩm của hiện đại và nó không mang giá trị lịch sử, tâm linh.
Xin cảm ơn ông!
Trinh Phúc - Dương Thu (thực hiện)