Điển hình nhất phải nhắc tới mối nguy hiểm từ vắc xin 5 trong 1. Theo thông tin chúng tôi thu thập được vào thời điểm cuối năm 2012, có ba trường hợp cháu bé tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An tử vong sau khi tiêm mũi tổng hợp (phòng các bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và HIB). Mối nguy hiểm của loại vắc xin này không dừng lại, từ đầu năm đến nay đã có 6 ca tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này.
Theo thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, liên quan đến số ca tử vong do vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, hội đồng cấp tỉnh, thành cũng như hội đồng khoa học của Bộ đã họp và kết luận có 4 ca tử vong không liên quan đến vắc xin, một ca chưa rõ nguyên nhân.
Việc yếu kém trong việc thăm khám trẻ trước khi tiêm vắc xin, cũng như việc tìm hiểu nguyên nhân những cái chết của trẻ của ngành Y tế đang khiến dư luận lo ngại. Điển hình vụ việc, một bé 26 ngày tuổi ở Hương Khê, Hà Tĩnh tử vong sau khi tiêm vắc xin BCG (chống lao). Trong khi gia đình bé quả quyết cái chết bất thường của cháu do tiêm vắc xin thì cán bộ Y tế cơ sở cho rằng không phải vì vắc xin mà đổ tội cho cha mẹ cháu chăm con không đúng cách.
Câu hỏi trách nhiệm đằng sau sự ra đi đột ngột của ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị
Xung quanh vụ việc này, theo ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (bộ Y tế) cho biết, lợi ích của tiêm chủng là rất lớn, nó dự phòng cho hàng triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và tử vong. Trong khi đó nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp, thường có liên quan đến cơ địa của trẻ.
Theo ông Hiển, nếu các cán bộ y tế thực hiện đúng quy định và các bà mẹ thực hiện tốt tư vấn của cán bộ y tế thì chúng ta có thể giảm được nguy cơ này. Liên quan đến việc một số trẻ vị sốc phản vệ, thậm chí tử vong sau khi tiêm vắc xin, ông Hiển lý giải, tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích sản sinh miễn dịch chủ động phòng bệnh. Điều này cũng gần giống như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm hay một tác nhân gây dị ứng nào đó, tùy theo cơ địa của từng trẻ có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc xin. Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc xin. Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau là những biểu hiện hay gặp phải. Tỉ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường rất thấp, ít xảy ra.
Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời. Ông Hiển khuyến cáo, để giảm bớt các rủi ro này, các bà mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế, khai báo về tiền sử sinh (nhẹ cân, thiếu tháng), tiền sử bệnh tật và tình hình sức khỏe của con trước khi tiêm chủng, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp trẻ bị bệnh trong thời gian tiêm chủng, tiền sử phản ứng với lần tiêm vắc-xin trước.
Như Hải - Hà Khê